Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) xảy ra khi một cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu của bạn, thường là ở chân. Nếu cục máu đông vỡ ra, nó có thể di chuyển qua hệ thống mạch máu đến các vùng khác của cơ thể. Trong một số trường hợp ít gặp, cục máu đông dừng lại ở động mạch phổi và cắt đứt lưu lượng máu đến phổi, gây ra bệnh cảnh thuyên tắc phổi (PE). DVT đôi khi rất khó phát hiện. Đó là lý do tại sao việc hiểu biết những yếu tố nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu là rất hữu ích để có thể phòng tránh bệnh.
Các yếu tố nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu thường gặp
Bạn đã từng bị huyết khối
Khoảng 30% bệnh nhân đã từng bị DVT có khả năng sẽ xuất hiện cục máu đông trở lại trong tương lai.
Tiền sử gia đình
Nếu bố mẹ hoặc anh chị em ruột của bạn bị DVT, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu cả bố và mẹ bạn đều được chẩn đoán mắc bệnh, nguy cơ của bạn có thể tăng lên tới 6 lần.
Trên 40 tuổi
Nằm liệt giường
Các tĩnh mạch sâu ở chân của bạn phụ thuộc vào các cơ để đẩy máu trở về phổi và tim. Nếu cơ của bạn không hoạt động trong một thời gian, máu sẽ bắt đầu dồn ứ ở chân dưới. Điều này làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Ngồi quá lâu
Một ví dụ điển hình là khi bạn ngồi trên máy bay hàng giờ liền. Nhưng nó cũng có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Hãy nghĩ đến việc bạn ngồi làm việc tại bàn trong thời gian dài không nghỉ ngơi, hoặc chơi trò chơi điện tử hay lướt internet.
Nam giới 45 đến 60 tuổi
Nam giới có nguy cơ mắc DVT hơi cao hơn ở độ tuổi này. Ngoài độ tuổi này ra, giới tính dường như ít ảnh hưởng đến DVT. (Ngoại trừ yếu tô mang thai có thể làm tăng nguy cơ ở phụ nữ).
Yếu tố gen di truyền
Bạn có thể thừa hưởng một số gen bất thường, chẳng hạn như Yếu tố V Leiden, khiến máu của bạn dễ đông hơn. Bản thân các yếu tố này không đủ để làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu của bạn. Nhưng khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác, chúng làm tăng đáng kể nguy cơ.
Mang thai hoặc mới sinh
Khi bạn đang mang thai, mức độ hormon estrogen của phụ nữ tăng lên. Điều này khiến máu của bạn dễ đông hơn. Nếu bạn dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormon thay thế, nguy cơ mắc DVT của bạn cũng tăng lên. Đó là vì những loại thuốc này chứa thành phần estrogen.
Thừa cân, béo phì
Chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao thì nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu càng lớn. BMI phản ánh gián tiếp lượng mỡ trong cơ thể bạn. Các bác sĩ không chắc chắn tại sao, nhưng mỡ thừa quanh bụng có thể ngăn cản dòng máu lưu thông dễ dàng qua các tĩnh mạch sâu. Béo phì cũng làm thay đổi thành phần hóa học của máu, dẫn đến viêm và làm bạn dễ mắc bệnh tiểu đường. Tất cả những điều này khiến máu của bạn dễ đông hơn.
Tổn thương hệ tĩnh mạch
Nếu bạn bị tổn thương cơ nghiêm trọng hoặc gãy xương, lớp lót bên trong của tĩnh mạch (nội mạc) gần đó có thể bị tổn thương. Điều này làm tăng khả năng hình thành cục máu đông. Phẫu thuật lớn ở dạ dày, vùng chậu, hông hoặc chân cũng khiến bạn dễ bị DVT hơn.
Các vấn đề về sức khỏe khác
Các bệnh lý về tim mạch, phổi, ung thư hoặc đang điều trị ung thư đều làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cho bệnh nhân.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu?
Mặc dù bạn không thể thay đổi nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến DVT, nhưng bạn có thể thực hiện các mẹo sau để giúp máu lưu thông tốt hơn:
Không ngồi quá lâu
Thường xuyên đứng dậy và làm động tác căng cơ hoặc đi bộ xung quanh ít nhất 2 giờ một lần. Nếu bạn đang làm việc hoặc chơi trò chơi điện tử, hãy đặt hẹn giờ để không quên.
Bạn cũng có thể tập vận động chân trong khi ngồi. Bạn có thể nhấc gót chân lên xuống trong khi giữ các ngón chân trên sàn hoặc nhấc các ngón chân lên trong khi giữ gót chân trên mặt đất.
Vận động sớm sau phẫu thuật
Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngay cả việc tập nâng chân đơn giản trên giường cũng sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn qua các tĩnh mạch.
Tham khảo ý kiến bác sĩ
Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ mắc DVT, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc chống đông máu. Đây là những loại thuốc giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn mang vớ y khoa. Loại vớ này bó chặt quanh mắt cá chân nhưng trở nên lỏng hơn ở trên. Chúng giúp ngăn máu ứ đọng ở chân.
Lên kế hoạch cho chuyến đi
Nếu bạn biết mình sẽ phải ngồi trên tàu, máy bay hoặc xe hơi trong một thời gian dài, hãy thường xuyên đứng dậy và duỗi chân. Nhớ mặc quần áo rộng rãi. Uống nhiều nước và tránh uống rượu. Nếu cơ thể bạn không có đủ chất lỏng, các mạch máu sẽ bị thu hẹp và dễ hình thành cục máu đông hơn.
Giữ lối sống năng động và quản lý tốt bệnh tật
Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ bị cục máu đông. Ngay cả việc đi bộ cũng có lợi cho hệ tĩnh mạch.
Hãy giảm cân, bỏ thuốc lá, và kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, tiểu đường hay các bệnh mãn tính khác nếu có.
Nguồn: WebMD