Huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật

huyết khối tĩnh mạch sâu sau phẫu thuật

Huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật là tình trạng cục máu đông hình thành trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu của cơ thể, thường gặp là ở chi dưới, sau khi bệnh nhân trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc thủ thuật y tế.

Cục máu đông có bản chất là các tế bào máu, chủ yếu là hồng cầu kết dính lại với nhau thành một khối. Điều này có lợi cho quá trình cầm máu khi bạn bị chảy máu, nhưng lại là thảm họa nếu nó xuất hiện trong lòng mạch. Cục máu đông gây tắc nghẽn cơ học cho dòng chảy của tĩnh mạch, và trong một số ít trường hợp, chúng có thể “chu du” đến phổi gây ra thuyên tắc phổi (pulmonary embolism – PE), đe dọa đến tính mạng.

cục máu đông trong lòng mạch

Loại phẫu thuật nào có nguy cơ gây ra huyết khối tĩnh mạch?

Mặc dù cục máu đông có thể hình thành sau bất kỳ loại phẫu thuật nào, bạn có nguy cơ mắc chúng cao hơn nếu phải trải qua các phẫu thuật lớn, đặc biệt là ở vùng bụng, vùng chậu hông hoặc ở chân.

Một số loại phẫu thuật cụ thể có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch và thuyên tắc phổi bao gồm:

  • Thay khớp gối hoặc khớp háng
  • Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch ngoại vi hoặc động mạch vành
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư
  • Phẫu thuật thần kinh
  • Phẫu thuật ổ bụng và khung chậu

Tại sao phẫu thuật lại làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch

Phẫu thuật làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu vì bạn thường phải nằm trên giường trong một thời gian dài để hồi phục. Khi bạn ngừng vận động, máu sẽ chảy chậm hơn trong các tĩnh mạch sâu, điều này có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Các yếu tố liên quan đến phẫu thuật khác có thể làm tăng nguy cơ bị cục máu đông bao gồm:

  • Thời gian và mức độ phức tạp của phẫu thuật
  • Tư thế nằm của bạn trong khi phẫu thuật
  • Loại thuốc gây mê được sử dụng

Bạn có nguy cơ bị huyết khối cao nhất trong khoảng từ 2 đến 10 ngày sau phẫu thuật, nhưng nguy cơ này vẫn duy trì trong khoảng 3 tháng tiếp theo.

Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật có thể tăng cao hơn nếu bạn có thêm các yếu tố thuận lợi khác như:

  • Hút thuốc lá
  • Từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) từng bị huyết khối tĩnh mạch
  • Đang mang thai
  • Mắc bệnh lý về máu hoặc bệnh tĩnh mạch mạn tính
  • Tuổi cao
  • Đang sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc tránh thai và liệu pháp hormon thay thế
  • Mắc một số loại bệnh ung thư nhất định

Huyết khối tĩnh mạch xảy ra trong quá trình phẫu thuật

Đôi khi, bản thân phẫu thuật cũng có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch. Các ca phẫu thuật kéo dài, nơi bạn phải nằm trên bàn mổ nhiều giờ đồng hồ có thể khiến máu ứ đọng lại, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các phẫu thuật lớn như phẫu thuật ung thư và bắc cầu mạch vành thường mất rất nhiều thời gian, đây là một trong những lý do khiến chúng dễ gây huyết khối hơn.

Mô, mảnh vỡ tổ chức, chất béo hoặc collagen có thể được giải phóng vào hệ thống máu của bạn trong quá trình phẫu thuật, làm cho tế bào máu kết tụ lại xung quanh các hạt đó. Cục máu đông cũng có thể hình thành nếu tĩnh mạch của bạn bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, thường do tác động từ dụng cụ phẫu thuật hoặc bàn tay của phẫu thuật viên.

Các phẫu thuật liên quan đến việc nạo hoặc cắt vào xương, chẳng hạn như thay khớp háng, có thể giải phóng các “chất được gọi là kháng nguyên”chất lạ”. Những kháng nguyên này kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn và có thể dẫn đến hình thành cục máu đông.

Các triệu chứng cần lưu ý

Chỉ khoảng một nửa số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu có triệu chứng.

Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây sau khi thực hiện phẫu thuật:

  • Đau hoặc tăng nhạy cảm ở chân
  • Chân bị phù hoặc nóng
  • Da chân đỏ hoặc đổi màu
  • Tĩnh mạch nổi lên
  • Khó thở
  • Ho ra máu
  • Đau ngực đột ngột
  • Đau khi thở

Đọc thêm: Thuật toán máy học mới: bước đột phá trong chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu

Làm thế nào để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch trước phẫu thuật

Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy cố gắng bỏ chúng. Giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì. Trong trường hợp đang dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormon thay thế, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn để tạm dừng thuốc hoặc đổi sang một loại thuốc khác ít nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch hơn.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật?

Trong thời gian hồi phục tại bệnh viện, việc duy trì lưu thông máu là điều quan trọng để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Kế hoạch phòng ngừa huyết khối mà bác sĩ đưa ra cho bạn có thể bao gồm:

Thuốc chống đông máu giúp làm làm nguy cơ huyết khối sau phẫu thuật
thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu: còn được gọi là thuốc làm loãng máu. Chúng làm cho các tế bào máu khó kết dính lại với nhau và tạo thành cục máu đông. Bạn có thể dùng chúng qua đường uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Không phải sau tất cả các ca phẫu thuật bác sĩ đều kê đơn thuốc chống đông máu, vì chúng có thể gây chảy máu quá nhiều. Bác sĩ sẽ quyết định xem thuốc này có phù hợp với bạn hay không dựa trên cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro mang lại cho bạn.

Các bài tập vận động nhẹ nhàng: Chúng có thể cải thiện lưu thông máu. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã thực hiện, nhóm chăm sóc của bạn có thể đề nghị các bài tập nhẹ nhàng như:

  • Nâng cao chân trong khi bạn đang nằm trên giườngDi chuyển bàn chân theo vòng tròn hoặc lên xuống khoảng 10 lần một giờ trong khi bạn ngồi trên ghế hoặc nằm trên giườngBóp thường xuyên các cơ bắp bắp chân và đùiNếu bạn thay khớp háng hoặc khớp gối, bác sĩ có thể yêu cầu bạn bắt đầu tập với một chuyên gia vật lý trị liệu ngay sau ngày phẫu thuật.
Bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau để có thể tập thể dục thoải mái.

Vận động sớm: Y tá sẽ giúp bạn ra khỏi giường để đi lại càng sớm càng tốt sau phẫu thuật. Điều này tốt cho lưu thông máu của bạn.

Vớ y khoa: Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng vớ y khoa để giúp máu lưu thông và ngăn máu ứ đọng trong các tĩnh mạch. Vớ y khoa bó sát và có thể cảm thấy khó chịu lúc đầu, nhưng bạn sẽ quen với chúng sau khi đeo vài lần.

máy nén khí ngắt quãng dùng cho bệnh nhân dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật
Máy nén khí ngắt quãng

Máy nén khí ngắt quãng: Loại thiết bị này tạo áp lực lên chân của bạn để giúp máu lưu thông và ngăn ngừa cục máu đông. Nhân viên y tế sẽ quấn các ống nhựa quanh chân bạn và một máy bơm được kết nối sẽ làm chúng phồng lên và xẹp xuống theo chu kì. Hãy tháo các ống này ra trước khi bạn đi bộ đến đâu đó (như đi vệ sinh) để tránh bị vấp ngã.

Nguồn: WebMD

Benhtinhmach.com là trang web cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các bệnh lý tĩnh mạch cũng như các biện pháp điều trị chúng.
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quay lên trên
0
Bình luận bài viết này ngay!x