Sỏi tĩnh mạch là gì?

sỏi tĩnh mạch

Sỏi tĩnh mạch (phleboliths) là những khối vôi hóa nhỏ hình thành trong lòng tĩnh mạch. Chúng thường xuất hiện ở vùng chậu và thường được phát hiện tình cờ qua chụp X-quang. Mặc dù phần lớn loại sỏi này không gây triệu chứng và không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác.

Sỏi tĩnh mạch là gì?

Sỏi tĩnh mạch hay vôi hóa tĩnh mạch là những khối vôi hóa nhỏ, thường có đường kính khoảng 2-5 mm, hình thành trong lòng tĩnh mạch. Chúng thường xuất hiện ở vùng chậu, nhưng cũng có thể được tìm thấy ở các khu vực khác của cơ thể. Chúng được coi là một bất thường, nhưng thường không gây hại và không di chuyển.

Sỏi tĩnh mạch được mô tả lần đầu trong y văn hiện đại từ thế kỉ XIX trên những báo cáo mổ xác. Khi tia X được khám phá năm 1895 và được ứng dụng vào y học, sỏi tĩnh mạch đã gây ra nhiều tranh cãi về chẩn đoán kể từ đó. Về mặt mô học, chúng bao gồm các mô xơ nhiều lớp vôi hóa, với lớp bề mặt liên tục với nội mô tĩnh mạch. Tỷ lệ sỏi tĩnh mạch vùng chậu ở người lớn được báo cáo là 38,9% – 48%. Chúng phổ biến hơn ở người lớn trên 40 tuổi và dường như ảnh hưởng ngang nhau ở cả hai giới.

sỏi tĩnh mạch trong khung chậu
Nốt vôi hóa trong lòng tĩnh mạch ở vùng chậu (mũi tên trắng)

Nguyên nhân hình thành sỏi tĩnh mạch

Nguyên nhân chính xác của việc hình thành các nốt vôi hóa trong lòng tĩnh mạch vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể góp phần vào quá trình này bao gồm:

  • Bất thường trong tĩnh mạch: Các dị dạng tĩnh mạch có thể làm chậm lưu lượng máu, dẫn đến sự tích tụ canxi và hình thành sỏi.
  • Tổn thương thành tĩnh mạch: Chấn thương hoặc viêm nhiễm có thể gây tổn thương thành tĩnh mạch, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các cục máu đông. Theo thời gian, những cục máu đông này cứng dần, lắng đọng canxi bên trong và trở thành những nốt vôi nằm trong lòng tĩnh mạch.

Đọc thêm: Huyết khối tĩnh mạch sâu: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

  • Giãn tĩnh mạch (varicose veins): Tình trạng giãn tĩnh mạch có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tĩnh mạch.
  • Táo bón và căng thẳng khi đại tiện: Áp lực tăng lên trong vùng chậu do táo bón có thể ảnh hưởng đến tĩnh mạch và góp phần vào sự hình thành sỏi.
  • Mang thai: thúc đẩy quá trình hình thành sỏi do sự tăng áp lực trong ổ bụng gây ra bởi tử cung to lên.
sỏi tĩnh mạch bàn tay
Sỏi tĩnh mạch bàn tay ở bệnh nhân bị dị dạng tĩnh mạch

Triệu chứng của sỏi tĩnh mạch

Phần lớn sỏi tĩnh mạch không gây ra triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính hoặc siêu âm. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp các triệu chứng hoặc tình trạng khó chịu do các bệnh lý là yếu tố nguy cơ gây ra sỏi như cảm giác đau vùng bụng chậu do các búi dị dạng tĩnh mạch, xuất hiện các búi giãn tĩnh mạch kèm theo tình trạng khó chịu đặc trưng của chứng bệnh này ở chân, hoặc triệu chứng táo bón …

Chẩn đoán phân biệt

Sỏi tĩnh mạch có thể dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề y khoa khác do hình ảnh và triệu chứng tương tự. Vì vậy, việc chẩn đoán phân biệt là rất quan trọng để tránh điều trị sai lầm. Một số tình trạng thường cần chẩn đoán phân biệt bao gồm:

  • Sỏi thận hoặc sỏi niệu quản: Đây là những khối vôi hóa nằm trên đường đi của hệ tiết niệu (đài bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo), thường gây đau tức vùng thắt lưng hoặc đau quặn thận dữ dội, tiểu máu và các triệu chứng khác. Chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính có thể giúp phân biệt bằng vị trí, hình dạng của khối vôi hóa.
  • Cục máu đông trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch): Huyết khối tĩnh mạch thường gây đau, sưng và nóng ở khu vực bị ảnh hưởng, khác với sỏi tĩnh mạch vốn thường không gây viêm hoặc đau cấp tính. Ngoài ra, huyết khối không cản quang trên phim X-quang và cắt lớp vi tính.
  • Khối u vùng chậu: Một số khối u vùng chậu có thể chứa vôi hóa, tạo hình ảnh tương tự trên phim X-quang. Tuy nhiên, các khối u thường đi kèm với triệu chứng nặng hơn như đau dai dẳng, rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), hoặc gây áp lực vùng chậu.
  • Canxi hóa trong mô mềm: Đôi khi, các vùng mô mềm bị vôi hóa do chấn thương hoặc viêm nhiễm cũng có thể bị nhầm với sỏi tĩnh mạch. Siêu âm hoặc cắt lớp vi tính có thể giúp xác định rõ vị trí và bản chất của khối vôi hóa.
  • Hạch bạch huyết vôi hóa: Các hạch bạch huyết bị vôi hóa sau nhiễm trùng hoặc bệnh lý mạn tính có thể xuất hiện như các đốm trắng trên hình ảnh X-quang.

Để đảm bảo chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ cùng với các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Điều này giúp loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn để bệnh nhân không bị điều trị quá mức. Ngày nay, với sự tiến bộ của các công nghệ chẩn đoán hình ảnh, sỏi tĩnh mạch thường dễ dàng được các bác sĩ nhận định.

Có cần thiết điều trị sỏi tĩnh mạch không?

Trong hầu hết các trường hợp, những nốt vôi hóa trong lòng tĩnh mạch này không gây triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu chúng liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để có biện pháp quản lý và phòng ngừa phù hợp. Ví dụ:

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm triệu chứng đau vùng bụng chậu.

Điều trị giãn tĩnh mạch: Nếu sỏi tĩnh mạch liên quan đến chứng giãn tĩnh mạch, các phương pháp điều trị như sử dụng vớ y khoa, liệu pháp tiêm xơ hoặc can thiệp nội mạch có thể được xem xét.

Thay đổi lối sống: Duy trì hoạt động thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, uống nhiều nước để tránh táo bón có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi.

Benhtinhmach.com là trang web cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các bệnh lý tĩnh mạch cũng như các biện pháp điều trị chúng.
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quay lên trên
0
Bình luận bài viết này ngay!x