Các cấp độ của bệnh tĩnh mạch mạn tính chi dưới

Các cấp độ của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch là tên thường dùng của một nhóm các bất thường ở hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Các bác sĩ chuyên khoa tĩnh mạch thường gọi chúng là “Bệnh tĩnh mạch mạn tính”.

Bệnh tĩnh mạch mạn tính (Chronic Venous Disease – CVD) là thuật ngữ dùng để chỉ những bất thường về hình thái cũng như chức năng của hệ tĩnh mạch diễn tiến trong thời gian dài với các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng cho thấy người bệnh cần phải được thăm khám và/hoặc điều trị.

Bệnh tĩnh mạch mạn tính có một phổ biểu hiện rất rộng rãi với nhiều hình thái khác nhau. Để tiện cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh, người ta thường phân chúng ra làm các cấp độ. Cách phân loại bệnh tĩnh mạch mạn tính phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là Bảng phân loại quốc tế CEAP (Clinical Etiological Anatomical Pathophysiological classification).

Trong phân loại CEAP, biểu hiện lâm sàng của bệnh tĩnh mạch mạn tính được chia thành 6 cấp độ như sau:

C1 – Giãn tiểu tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng lưới

Tiểu tĩnh mạch (Telangiectasia) là những tĩnh mạch nhỏ nằm trong da, có đường kính dưới 1mm, thường có màu xanh. Chúng thường xuất hiện dưới 4 dạng:

4 dạng giãn tiểu tĩnh mạch
  • Dạng đường (A)
  • Dạng chia nhánh (B)
  • Dạng sao hay dạng mạng nhện (C)
  • Dạng nốt sẩn (D)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giãn các tiểu tĩnh mạch, như yếu tố di truyền, bẩm sinh, một số bệnh lý hệ thống (như lupus ban đỏ, xơ cứng bì), rối loạn hormon (có thai, dùng thuốc nội tiết…), sau chấn thương, nhiễm khuẩn …

Giãn tiểu tĩnh mạch trên da
Giãn các tiểu tĩnh mạch trên da

Trong bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, giãn tiểu tĩnh mạch rất thường gặp, và có thể là hậu quả của tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch.

Tĩnh mạch mạng lưới (Reticular vein) là những tĩnh mạch có đường kính từ 1-3mm. Điểm khác biệt với tiểu tĩnh mạch là chúng nằm ở dưới da. Tĩnh mạch mạng lưới thường có màu xanh hoặc hồng, và không nổi lên trên bề mặt da.

Tĩnh mạch mạng lưới có thể gây ra triệu chứng đau hoặc khó chịu ở vùng da nơi chúng xuất hiện. Ngoài ra, các tĩnh mạch mạng lưới cũng có thể là nguồn “nuôi” những búi giãn tiểu tĩnh mạch.

tĩnh mạch mạng lưới trong bệnh cảnh bệnh tĩnh mạch mạn tính
Tĩnh mạch mạng lưới ở vùng khoeo chân

C2 – Búi giãn tĩnh mạch nông

Các búi giãn tĩnh mạch nông (varicose vein) rất dễ nhận biết. Chúng là những đoạn tĩnh mạch phồng căng, có đường kính bằng hoặc trên 3mm, nổi trên bề mặt da và thường có đường đi ngoằn ngoèo, xoắn cuộn. Các búi tĩnh mạch thường có màu xanh, hồng thẫm. Khi xuất hiện huyết khối bên trong, búi tĩnh mạch có thể chuyển màu đỏ.

Bệnh tĩnh mạch mạn tính - Búi giãn tĩnh mạch nông
Các búi giãn tĩnh mạch nông ở bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính

Ngoài việc gây mất thẩm mỹ cho đôi chân, các búi giãn tĩnh mạch nông cũng có thể gây nên nhiều triệu chứng như:

  • Đau, nặng tức, hay cảm giác không thoải mái ở chân.
  • Sưng nề ở bàn chân và mắt cá.
  • Cảm giác nóng hoặc đau nhói ở chân.
  • Chuột rút, đặc biệt là về ban đêm.
  • Khô, ngứa và gây mỏng da ở những vùng tĩnh mạch xuất hiện.

Các triệu chứng này thường tệ hơn khi ở trong môi trường nóng bức, khi đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, và thuyên giảm khi đi bộ hoặc nằm nghỉ.

C3 – Phù chân

Phù chân do bệnh tĩnh mạch mạn tính

Phù là tình trạng sưng nề của mô mềm do hiện tượng thoát dịch vào khoang gian bào (vùng không gian giữa các tế bào). Phù do bệnh lý tĩnh mạch thường xuất hiện đầu tiên ở quanh mắt cá chân, sau đó có thể lan ra cẳng chân và bàn chân.

Cách đơn giản để nhận biết phù là người bệnh đột ngột thấy chân to lên, các hõm quanh mắt cá chân biến mất, và khi ấn vào vùng bị phù thì da lõm xuống mà không căng trở lại ngay được.

C4 – Biến đổi trên da và tổ chức dưới da

Cấp độ này lại được chia thành một số dạng:

C4a – Thay đổi sắc tố da hoặc chàm (eczema)

Thay đổi sắc tố da (Pigmentation) thường xuất hiện ở những bệnh nhân suy tĩnh mạch lâu năm không được điều trị. Chúng là những nốt hoặc mảng sẫm màu xuất hiện trên da, thường tập trung quanh mắt cá trong hoặc nặng hơn là ở vùng thấp của cẳng chân. Theo thời gian, các mảng này trở nên cứng, khô, và có thể nứt ra, tạo thành những vết loét.

Thay đổi sắc tố da ở chân bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch
Thay đổi sắc tố da ở chân bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch

Chàm tĩnh mạch (varicose eczema), còn có tên khác là chàm do ứ đọng (stasis eczema) là những tổn thương dạng ban đỏ trên da, sau đó có thể tiến triển thành dạng mụn nước. Các mụn nước có thể vỡ ra, bong tróc và đóng vảy. Những vùng da bị chàm thường gây ngứa và trở nên xơ cứng. Chàm tĩnh mạch thường xuất hiện ở gần những búi giãn tĩnh mạch nông nhưng cũng có thể ở bất cứ vùng nào khác của chân.

C4b – Xơ mỡ biểu bì hoặc teo trắng da

Xơ mỡ biểu bì (Lipodermatosclerosis) là tình trạng viêm mạn tính khu trú kèm theo xơ hóa của da và tổ chức dưới da. Chúng thường gặp ở người trung tuổi và cao tuổi, những người ít vận động, người thừa cân, béo phì.

Xơ mỡ biểu bì biểu hiện với các triệu chứng sưng tấy, và đỏ thành mảng ở vùng thấp của cẳng chân. Các tổn thương kéo dài lâu ngày khiến da cẳng chân trở nên cứng và dần teo nhỏ, tạo thành hình ảnh đặc thù của chứng bệnh này ở cẳng chân là hình “chai sâm-panh lộn ngược”.

Xơ mỡ biểu bì
Xơ mỡ biểu bì với dấu hiệu “chai sâm panh lộn ngược”

Teo trắng da (Atrophie blanche) là những tổn thương dạng tròn trên da, có màu trắng, bờ không đều, thường được bao quanh bởi những đốm giãn mao mạch và đôi khi là những đốm tăng sắc tố da. Đây là một trong những dấu hiệu nặng của bệnh tĩnh mạch mạn tính.

Teo trắng da ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch
Teo trắng da ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch

C4c – Corona Phlebectatica

Đây là thuật ngữ để chỉ sự hiện diện của cấu trúc mạch máu hình quạt bất thường có thể nhìn thấy được trên da ở vùng xung quanh mắt cá chân.

Corona Phlebectatica

Corona phlebectatica điển hình gồm có 4 thành phần bao gồm các nhánh tĩnh mạch, các tiểu tĩnh mạch trong da (màu xanh), tiểu tĩnh mạch trên bề mặt da (màu đỏ), và các “đốm ứ đọng” của lưới mao mạch.

C5 – Loét đã liền và C6 – Loét tiến triển

Các vết loét do bệnh tĩnh mạch thường xuất hiện ở phía trên mắt cá trong của cổ chân. Chúng có thể phát sinh từ những vùng tổn thương ở giai đoạn C4, nhưng cũng có thể đột ngột xuất hiện trên vùng da lành nếu người bệnh suy giãn tĩnh mạch nặng gặp phải chấn thương ở chân.

Vết loét tĩnh mạch chưa liền ở bệnh nhân nam giới mắc suy tĩnh mạch mạn tính
Vết loét tĩnh mạch chưa liền ở bệnh nhân nam giới mắc bệnh tĩnh mạch mạn tính

Các vết loét gây đau, ngứa, sưng nề, chảy dịch, và thậm chí có thể nhiễm khuẩn. Chúng thường mất thời gian rất lâu (có thể đến hàng tháng) để hồi phục, để lại những mô sẹo trên da.

Khi vết loét tĩnh mạch vẫn chưa liền sẹo, bệnh được phân loại ở cấp độ C6. Sau khi loét đã liền sẹo, bệnh sẽ “hạ cấp” ở giai đoạn C5.

Một số lưu ý

Phân loại các mức độ của bệnh tĩnh mạch mạn tính theo biểu hiện lâm sàng không nói lên nguồn gốc của bệnh (tức bệnh xuất phát từ đâu, ở đoạn mạch nào, thuộc hệ tĩnh mạch nông hay sâu…). Để trả lời câu hỏi này, người bệnh cần được thăm khám bởi một bác sĩ chuyên khoa tĩnh mạch.

Đọc thêm: Siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, những điều cần biết

Thuật ngữ “Suy tĩnh mạch mạn tính” (Chronic venous insufficiency – CVI) được dùng để chỉ các tình trạng bệnh tĩnh mạch mạn tính từ cấp độ C3 đến C6 trong phân loại CEAP.

Cuối cùng, cảm nhận chủ quan của người bệnh nhiều khi không tương ứng với mức độ nặng của bệnh tĩnh mạch. Nghĩa là có những trường hợp biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ (C1, C2) nhưng đã khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và công việc. Ngược lại, nhiều người bệnh dù ở cấp độ C3, C4 … nhưng hoàn toàn không thấy các biểu hiện khó chịu ở chân.

Tài liệu tham khảo:

  1. European Society for Vascular Surgery (ESVS) 2022 Clinical Practice Guidelines on the Management of Chronic Venous Disease of the Lower Limbs
  2. Felipe B. Collares, MD (2017) Varicose veins, Thieme.
  3. Mitchel P. Goldman, MD (2017) Sclerotherapy treatment of varicose and telangiectasic leg veins, Elsevier Inc.
  4. Varicose veins – NHS.UK
  5. Reticular veins, incompetent reticular veins, and their relationship to telangiectases
  6. Clinical analysis of the corona phlebectatica
  7. Lipodermatosclerosis
     
Benhtinhmach.com là trang web cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các bệnh lý tĩnh mạch cũng như các biện pháp điều trị chúng.
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quay lên trên