Siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, những điều cần biết

Siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch ở Phòng khám chuyên khoa An Viên

Khi có các triệu chứng nghi ngờ, siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch là công cụ đầu tay để các bác sĩ xác định xem bạn có mắc bệnh hay không. Không chỉ vậy, siêu âm cũng là trợ thủ đắc lực giúp bác sĩ tiến hành điều trị suy giãn tĩnh mạch.

Ưu điểm của siêu âm trong chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch

Có nhiều biện pháp để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, trong đó thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh để ghi nhận các triệu chứng thường gặp của bạn như đau, tức nặng chân, phù nề …, nhận biết các búi tĩnh mạch giãn trên bề mặt da.

Siêu âm thường là thăm khám cận lâm sàng được chỉ định cho bệnh nhân. Siêu âm giúp phát hiện tình trạng bệnh lý của các tĩnh mạch sâu bên trong da mà mắt thường không thể thấy được, đánh giá mức độ suy của chúng, đường kính lòng mạch, sự hiện diện của huyết khối, chiều của dòng chảy, và nhiều thông số khác liên quan đến tiên lượng và điều trị bệnh lý.

Những ưu điểm nổi trội của siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch:

  • Phổ biến và dễ dàng tiếp cận: ngày nay siêu âm hiện diện ở hầu khắp các cơ sở y tế.
  • Không đau, không xâm lấn.
  • Có độ chính xác cao: đặc biệt với các thế hệ máy siêu âm đời mới, tiên tiến, và với bác sĩ có kinh nghiệm.
  • Phát hiện được hầu hết các bất thường của tĩnh mạch như suy van tĩnh mạch, búi giãn tĩnh mạch, phình mạch, viêm mạch, huyết khối tĩnh mạch …
  • Giá thành rẻ.

Các phương pháp chẩn đoán khác của suy giãn tĩnh mạch bao gồm chụp X-quang có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch (venogram), chụp Cắt lớp vi tính tĩnh mạch chi dưới, Chụp Cộng hưởng từ chi dưới được sử dụng ít hơn do chi phí cao, kĩ thuật phức tạp và thường chỉ được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt.

Suy van tĩnh mạch là gì?

Suy van tĩnh mạch là thuật ngữ thường dùng để chỉ những bất thường chức năng của van tĩnh mạch (Abnormal valve function).

Bình thường, trong các tĩnh mạch ở chi dưới có một hệ thống van giúp giữ máu luân chuyển theo một chiều từ ngoại vi về tim (từ dưới lên trên ở tư thế đứng). Van sẽ mở ra khi máu di chuyển lên trên nhờ lực hút của tim và sức bóp của cơ ở cẳng chân. Khi dòng máu tụt ngược lại xuống dưới do trọng lực, các lá van sẽ khép lại giữ cho cột máu ở tại chỗ. Máu dẫn di chuyển về tim nhờ những lá van hoạt động nhịp nhàng như vậy.

Nếu vì một lý do nào đó van tĩnh mạch trở nên bất thường về cấu trúc giải phẫu, hoặc không thực hiện được chức năng của nó, máu theo trọng lực tự do đi ngược qua van tĩnh mạch, khi đó dòng trào ngược (refux) sẽ xuất hiện.

Sự hoạt động của van tĩnh mạch bình thường và bất thường
Sự hoạt động bình thường và bất thường của van tĩnh mạch

Dòng trào ngược là dòng chảy đi ngược chiều sinh lý của tĩnh mạch (từ trên xuống dưới khi ở tư thế đứng), là một trong những cơ chế gây tăng áp lực tĩnh mạch và có thể được nhận biết trên siêu âm Doppler.

Bác sĩ dựa vào sự hiện diện của dòng trào ngược trên siêu âm để chẩn đoán một tĩnh mạch có suy hay không, chiều dài của tĩnh mạch bị suy và mức độ suy đến đâu.

Dòng trào ngược (reflux) trên siêu âm Doppler màu (hình trái) và Doppler xung (hình phải)
Dòng trào ngược (reflux) trên siêu âm Doppler màu (hình trái) và Doppler xung (hình phải)

Tại sao cần phải siêu âm tĩnh mạch ở tư thế đứng?

Siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch ở tư thế đứng

Bác sĩ thường cho bệnh nhân đứng khi tiến hành siêu âm tìm luồng trào ngược trong tĩnh mạch chân. Bạn sẽ đứng trên một cái bục trong khi bác sĩ ngồi đối diện để siêu âm cho bạn.

Lý do là bởi ở tư thế đứng, trọng lực (lực hút trái đất) sẽ tạo ra lực hút ngược chiều dòng chảy của máu trở về tim, tức là cùng chiều với dòng trào ngược qua van tĩnh mạch. Sự “trợ giúp” của trọng lực khiến mức độ và thời gian của dòng trào ngược tăng lên hơn nhiều so với tư thế nằm, và do đó dễ phát hiện hơn bằng siêu âm. Điều này cũng lý giải tại sao triệu chứng của các bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch thường nặng lên khi họ đứng hoặc ngồi lâu một chỗ.

Với những bệnh nhân không thể đứng hoặc đứng không vững, bác sĩ có thể cho họ thực hiện siêu âm ở tư thế nâng đầu (tư thế Trendelenburg đảo ngược).

Tư thế Trendelenberg đảo ngược
Tư thế Trendelenburg đảo ngược

Giãn tĩnh mạch mạng nhện cũng cần phải siêu âm

Tĩnh mạch mạng nhện (spider vein) là tên thường gọi của các tiểu tĩnh mạch (telangiectasia) biểu hiện thành những đám, dải màu xanh, tím trên da.

Tĩnh mạch mạng nhện rất thường gặp. Trong một số trường hợp chúng đơn thuần là vấn đề về thẩm mĩ, nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng là biểu hiện của những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu cho thấy có đến 71% tĩnh mạch mạng nhện kết nối với các tĩnh mạch mạng lưới (reticular veins) bên dưới, 13% với hệ tĩnh mạch nông và khoảng 9% thậm chí kết nối trực tiếp với các tĩnh mạch sâu. Những vấn đề ở hệ tĩnh mạch nông và sâu có thể dẫn đến hậu quả là sự xuất hiện của tĩnh mạch mạng nhện. Do đó, bạn vẫn cần siêu âm để đánh giá tổng quát hệ tĩnh mạch của mình mặc dù chỉ thấy sự hiện diện của tĩnh mạch mạng nhện trên da.

Giãn tiểu tĩnh mạch trên da
Giãn tiểu tĩnh mạch trên da

Bản đồ tĩnh mạch là gì?

Một cách dễ hiểu, bản đồ tĩnh mạch là sơ đồ của hệ thống tĩnh mạch chi dưới được khảo sát bằng siêu âm, trong đó các tĩnh mạch có dòng trào ngược, cùng với vị trí, đường kính, hướng của dòng chảy được xác định cụ thể.

Bản đồ tĩnh mạch có thể được bác sĩ vẽ trực tiếp trên chân bệnh nhân, hoặc thể hiện trên giấy.

Bản đồ tĩnh mạch
Bản đồ tĩnh mạch của các bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch

Bản đồ tĩnh mạch cung cấp cho bác sĩ tĩnh mạch có cái nhìn tổng quát về tình trạng suy tĩnh mạch của người bệnh, chẩn đoán mức độ bệnh lý và quan trọng hơn, giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị cho người bệnh một cách chính xác, theo trình tự phù hợp.

Can thiệp tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm

Siêu âm không chỉ giúp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, mà còn là công cụ đắc lực của các bác sĩ điều trị bệnh tĩnh mạch. Hầu hết các thủ thuật can thiệp tối thiểu đối với tĩnh mạch ngày nay đều được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, có nghĩa là máy siêu âm sẽ cung cấp hình ảnh để “dẫn đường” cho bác sĩ tiếp cận với mạch máu cần điều trị.

Đọc thêm: Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch

Hình ảnh siêu âm là hình ảnh trực tiếp, theo thời gian thực, hết sức thuận lợi đối với các bác sĩ điều trị, và cũng hoàn toàn vô hại đối với người bệnh.

Sau khi điều trị, siêu âm cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả của thủ thuật, đánh giá mức độ đóng kín của tĩnh mạch suy giãn, phát hiện các biến chứng sau can thiệp.

Tiêm xơ dưới hướng dẫn của siêu âm (Ultrasound Guided Sclerotherapy - UGS) thực hiện tại chuyên khoa Tĩnh Mạnh An Viên
Tiêm xơ dưới hướng dẫn của siêu âm (Ultrasound Guided Sclerotherapy – UGS) thực hiện tại chuyên khoa Tĩnh Mạnh An Viên

Giá trị của máy siêu âm thế hệ mới

Công nghệ siêu âm đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi được phát minh và đưa vào ứng dụng trong y tế vào năm 1949 bởi nhà vật lý người Anh John Wild. Ngày nay, các công nghệ được cập nhật hàng năm khiến cho máy siêu âm càng ngày càng trở nên tốt và “thông minh” hơn. Một hệ thống siêu âm thế hệ mới cho phép tạo ra hình ảnh sắc nét hơn, giúp phát hiện những mạch máu nhỏ hơn, truy tìm nguồn gốc của dòng suy tĩnh mạch tốt hơn, và tất nhiên hỗ trợ điều trị tốt hơn! Nói cách khác, máy siêu âm càng “xịn”, hiệu quả chẩn đoán và điều trị tĩnh mạch càng cao.

Các lưu ý dành cho bệnh nhân khi siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch

Siêu âm tĩnh mạch chi dưới nhìn chung rất dễ tiếp cận và thực hiện. Tuy nhiên người bệnh cũng nên lưu ý một số vấn đề sau để cuộc siêu âm diễn ra thuận lợi:

  • Không cần ngừng các thuốc điều trị trước khi siêu âm
  • Không nên thoa kem dưỡng ẩm lên chân trước khi siêu âm
  • Nên mặc quần ống rộng, dễ kéo lên vì thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra tĩnh mạch từ gốc đùi xuống đến cổ chân. Tốt nhất là phòng khám sẽ cung cấp quần đùi/váy cho người bệnh siêu âm tĩnh mạch mặc.
  • Nếu bạn không thể đứng hoặc đứng không vững, hãy thông báo trước cho nhân viên y tế để có phương án hỗ trợ bạn.
  • Khi siêu âm ở tư thế đứng, bạn cần phải thả lỏng chân được siêu âm và đứng trụ bằng chân còn lại.
  • Không vận cơ (“lên gân”) khi siêu âm.
  • Nếu bạn đi tất áp lực, cần phải cởi tất ra ít nhất 30 phút trước khi siêu âm.
  • Thời gian siêu âm có thể khá lâu, tùy thuộc vào mức độ bệnh của bạn. Nếu thấy tức mỏi, hoặc đau quá mức, bác sĩ có thể cho bạn ngồi “nghỉ giữa giờ” vài phút.
  • Cuối cùng, việc nghe bác sĩ tư vấn về kết quả thăm khám rất quan trọng, hãy hỏi kĩ để hiểu về tình trạng của mình, cũng như các phương án điều trị có thể áp dụng. Hiểu đúng về bệnh giúp bạn hợp tác tốt hơn với bác sĩ trong quá trình điều trị và tự tin về kết quả điều trị của mình!

Đọc thêm: Khi nào cần phải điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch?

Tài liệu tham khảo:

  1. Mitchel P. Goldman, MD (2017) Sclerotherapy treatment of varicose and telangiectasic leg veins, Elsevier Inc.
  2. Joseph Zygmunt (2013) Practical Phlebology: Venous Ultrasound, CRC Press.
  3. Evaluation of Lower Limb Varicose Vein by Ultrasonic Venous Duplex Examination
  4. Standing versus Supine Evaluation for Superficial Venous Reflux
Benhtinhmach.com là trang web cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các bệnh lý tĩnh mạch cũng như các biện pháp điều trị chúng.
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quay lên trên
0
Bình luận bài viết này ngay!x