Laser nội mạch là gì?
Laser nội mạch (Endovenous laser ablation – EVLA) là thủ thuật xâm lấn tối thiểu để điều trị suy giãn tĩnh mạch. Liệu pháp này sử dụng năng lượng nhiệt sinh ra từ tia laser để làm “cháy” và đóng tĩnh mạch bị suy giãn.
Các tĩnh mạch được điều trị bằng laser nội mạch sau đó sẽ teo nhỏ và một số sẽ gần như “tiêu biến”.
Liệu pháp laser nội mạch đã được các bác sĩ tĩnh mạch sử dụng rộng rãi trên thế giới từ những năm 2000. Những cải tiến liên tục về công nghệ đã khiến laser nội mạch ngày nay trở thành một công cụ lợi hại để điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch. Cùng với điều trị sóng cao tần (radiofrequency), laser nội mạch đã trở thành phương pháp thay thế an toàn và hiệu quả cho phẫu thuật tĩnh mạch cổ điển.
Những ưu điểm của laser nội mạch
An toàn và tỉ lệ thành công cao: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ thành công lên đến 95-98% của laser nội mạch trong điều trị suy giãn tĩnh mạch với rất ít các biến chứng gặp phải.
Không phải phẫu thuật: Toàn bộ thủ thuật tiến hành bằng những mũi kim. Sẽ không để lại một vết sẹo nào!
Nhanh chóng: thủ thuật được tiến hành trong không quá 1 giờ đối với một chân bị bệnh.
Không cần nằm viện: Người bệnh hoàn toàn có thể đi lại bình thường và ra về ngay sau khi điều trị.
Laser nội mạch được sử dụng khi nào?
Laser nội mạch thường được sử dụng cho các trường hợp suy giãn các thân tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé và các nhánh lớn của chúng, hoặc các tĩnh mạch xuyên (tĩnh mạch kết nối giữa hệ tĩnh mạch nông và hệ tĩnh mạch sâu).
Những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị và đi tất áp lực cũng là đối tượng chỉ định tốt cho laser nội mạch.
Kĩ thuật laser nội mạch được thực hiện như thế nào?
Kĩ thuật laser nội mạch cần được thực hiện tại phòng vô trùng, với các tiêu chuẩn về thực hành vô trùng thông thường.
Tiêu chuẩn về thực hành vô trùng trong phòng mổ bao gồm:
– Rửa tay vô trùng
– Đeo găng tay vô trùng
– Đeo khẩu trang, mũ/bao tóc
– Mặc quần áo mổ vô trùng
– Che phủ người bệnh bằng săng vô trùng
Bệnh nhân không cần phải gây mê. Bác sĩ có thể thoa một số loại kem gây tê bề mặt lên vùng da phía trên tĩnh mạch cần điều trị để giảm bớt khó chịu cho người bệnh.
Trước tiên, bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm để định vị đoạn mạch bị suy giãn và tìm kiếm đường vào tĩnh mạch.
Sau đó, một ống thông (catheter) sẽ được đưa vào lòng tĩnh mạch qua một cây kim.
Dây đốt laser sẽ được luồn qua ống thông lên phần trên cùng của tĩnh mạch dưới hướng dẫn của máy siêu âm.
Tiếp đó bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ bằng cách bơm dung dịch nước muối pha với thuốc tê vào xung quanh tĩnh mạch trên suốt chiều dài đoạn mạch cần điều trị. Điều này nhằm đảm bảo bệnh nhân không bị đau và nhiệt của tia laser không làm tổn thương các mô lân cận tĩnh mạch được điều trị.
Sau khi quá trình gây tê kết thúc, máy laser sẽ được khởi động và phát tia laser ở phần đầu dây đốt. Nhiệt lượng sinh ra sẽ “đốt cháy” tĩnh mạch. Dây đốt được kéo dần về phía dưới cho đến khi hết chiều dài đoạn mạch bị suy giãn.
Quá trình điều trị kết thúc. Bệnh nhân có thể đi lại ngay sau khi điều trị.
Điều gì xảy ra với mạch máu khi tác động bằng tia laser?
Các nghiên cứu cho thấy, nhiệt phát ra tại đầu đốt laser có thể lên đến 300 độ C khi tác động vào thành tĩnh mạch. Nhiệt độ cao này khiến thành mạch bị “xuyên thủng”, cũng như bị “cháy” (còn gọi là sự carbon hóa), dẫn đến tình trạng đóng hoàn toàn của tĩnh mạch.
Quá trình viêm sau đó sẽ xảy ra dọc theo tĩnh mạch được điều trị. Điều này lí giải những cảm giác khó chịu của người bệnh gặp phải vài ngày đến vài tuần sau khi can thiệp laser. Tuy nhiên cảm giác này sẽ qua đi nhanh chóng.
Tĩnh mạch sau đó sẽ dần teo nhỏ, trở thành một tổ chức xơ hóa và không thể nhìn thấy trên siêu âm sau khoảng một năm kể từ khi điều trị.
Tác dụng không mong muốn và biến chứng của laser nội mạch
Đau nhức với mức độ từ nhẹ đến trung bình là khá thường gặp trong 1-2 tuần đầu sau khi điều trị. Các thuốc giảm đau, chống viêm thông thường (như Paracetamol, Voltaren…) có thể được sử dụng trong giai đoạn này để làm giảm cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
Viêm tĩnh mạch (Phlebitis) có thể xảy ra dọc theo đường đi của tĩnh mạch được điều trị laser, với các biểu hiện như sưng nề, đỏ da, nóng và cứng. Các triệu chứng này có thể được cải thiện bằng cách đi tất áp lực thường xuyên, vận động nhẹ nhàng, nâng cao chân khi nghỉ ngơi và dùng một số thuốc chống viêm.
Các vết bầm tím có thể xuất hiện tại vị trí chọc kim và dọc theo tĩnh mạch. Tuy nhiên chúng sẽ tự biến mất sau khoảng vài tuần.
Các biến chứng của thủ thuật laser nội mạch nhìn chung là rất hiếm, chúng bao gồm:
Huyết khối tĩnh mạch sâu: huyết khối thường hình thành ở phần đầu đoạn tĩnh mạch điều trị laser và lan vào tĩnh mạch sâu. Nguy cơ này là rất thấp, chỉ vào khoảng 0,3%.
Bỏng da: thường gặp khi đoạn mạch được điều trị nằm sát bề mặt da. Biến chứng này có thể được hạn chế tối đa bằng cách bơm dung dịch nước và thuốc tê quanh tĩnh mạch trước khi đốt laser.
Tổn thương thần kinh: với các biểu hiện như tê, dị cảm chân. Biến chứng này thường gặp khi dây thần kinh chạy quá sát tĩnh mạch được điều trị.
Tái phát: các nghiên cứu cho thấy có một tỉ lệ nhỏ tĩnh mạch suy tái phát sau khoảng 5 năm kể từ khi thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên các tiến bộ về công nghệ ngày nay đang dần khắc phục được nguy cơ này.
Cần làm gì sau khi điều trị bằng laser nội mạch?
Tất áp lực (loại 2) cần được đi ngay sau khi điều trị và duy trì đi tất liên tục trong ít nhất 48-72h sau khi phẫu thuật. Trong vòng 2 tuần sau đó, tất áp lực nên được đi vào ban ngày và tháo ra khi đi ngủ.
Bạn hoàn toàn có thể đi lại bình thường ngay sau khi hoàn thành thủ thuật. Trong những ngày sau đó, việc đi lại và tập thể dục, thể thao được khuyến khích. Người bệnh nên đi bộ tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Các hoạt động thường ngày của bạn hoàn toàn không bị hạn chế, tuy nhiên nên tránh đứng quá lâu ở một tư thế.
Trong vòng 3-4 tuần sau khi điều trị, bạn nên tránh thực hiện những chuyến bay đường dài (trên 4 giờ bay).
Người bệnh sẽ được kiểm tra lại bằng siêu âm sau khoảng 2 tuần để đánh giá tĩnh mạch sau điều trị bằng laser nội mạch, cũng như các nhánh tĩnh mạch không thể xử lý được bằng laser. Bác sĩ có thể sẽ áp dụng một số biện pháp điều trị bổ sung (như tiêm xơ, phẫu thuật) để loại bỏ nốt những đoạn mạch này. Laser kết hợp với tiêm xơ hoặc phẫu thuật lột tĩnh mạch là một trong những liệu trình điều trị suy giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay.
Đọc thêm: Tiêm xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch
Những chống chỉ định của laser nội mạch
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Nhiễm trùng cấp tính tại vị trí điều trị
- Phụ nữ có thai
- Dị ứng với thuốc gây tê
- Hội chứng sau huyết khối
Nhìn chung, cần có sự thăm khám tỉ mỉ của một chuyên gia tĩnh mạch để có thể quyết định bạn có thể điều trị bằng laser nội mạch hay không.
Tóm lại, laser nội mạch là một phương pháp hiện đại để điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch với hiệu quả cao, an toàn và ít biến chứng. Người bệnh cần được thăm khám trước khi điều trị để hiểu rõ về tình trạng bệnh cũng như liệu trình thực hiện.
Tài liệu tham khảo:
- Felipe B. Collares, MD (2017) Varicose veins, Thieme.
- Endovenous laser ablation: mechanism of action
- Varicose Vein Endovenous Laser Therapy
- Endovenous laser treatment