Các nguyên nhân thường gặp gây sưng nề chân

nguyên nhân gây sưng nề chân

Sưng nề chân là một tình trạng thường gặp. Đôi khi nó chỉ gây khó chịu thoáng qua cho chúng ta, nhưng đôi khi nó lại là dấu hiệu báo động của cơ thể với một bệnh lý nghiêm trọng hơn.

Có hai nhóm bệnh lý thường gặp gây sưng nề chân:

Phù (Edema): phù là tình trạng ứ đọng dịch trong các khoang gian bào (khoảng không gian giữa các tế bào trong một mô). Phù có thể gây nên đơn giản do bạn đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế, nhưng cũng có thể là hậu quả của tình trạng thừa cân, lười tập luyện, hoặc do những bệnh lý nghiêm trọng hơn (sẽ được liệt kê bên dưới).

Viêm (Inflammation): viêm là phản ứng của cơ thể với một tác nhân gây hại nào đó như chấn thương, nhiễm khuẩn … Các biểu hiện kinh điển của viêm được biết đến là nóng, đỏ, đau và tất nhiên là cả sưng nề.

Nguyên nhân gây sưng nề chân hai bên

Các nguyên nhân thường gặp gây sưng nề chân do phù

Suy tim

đột tử ở người khỏe mạnh thường do nguyên nhân tim mạch

Suy tim là tình trạng tim của bạn trở nên quá yếu, không đủ sức để bơm lượng máu mà cơ thể cần cũng như hút máu trở về từ hệ thống tĩnh mạch. Sự giảm khả năng hút máu trở lại khiến máu ứ lại trong hệ thống tĩnh mạch và khoang gian bào, đặc biệt là ở chân.

Các triệu chứng thường gặp của suy tim bao gồm:

  • Khó thở, thở gắng sức, đặc biệt khi vận động
  • Mệt mỏi
  • Ho khan
  • Nhịp tim nhanh
  • Phù hai bàn chân, cẳng chân
  • Tức nặng về phía vùng hạ sườn phải

Huyết khối tĩnh mạch sâu và viêm tắc tĩnh mạch

Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý trong đó cục máu đông hình thành bên trong hệ thống tĩnh mạch sâu của chân (như tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch khoeo …).  Biến chứng đáng sợ của huyết khối tĩnh mạch sâu là cục máu đông có thể vỡ ra, di chuyển về phổi gây nhồi máu phổi. Điều này có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Thuyên tắc động mạch phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu
Thuyên tắc động mạch phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu

Trong bệnh viêm tắc tĩnh mạch, cục máu đông hình thành trong những tĩnh mạch nông dưới da, và thường rất hiếm khi chúng có thể vỡ ra để di chuyển về tim.

Một trong những triệu chứng đầu tiên của huyết khối tĩnh mạch sâu và viêm tắc tĩnh mạch là sưng nề chân, đặc biệt là ở cẳng chân do tình trạng ứ trệ máu ở vùng này.

Hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn đột nhiên bị sưng nề chỉ ở một chân và/hoặc có những dấu hiệu sau:

  • Đau chân, tăng cảm giác đau, chuột rút
  • Da ở chân đổi màu đỏ hoặc xanh
  • Sờ vào một vùng da ở chân có cảm giác ấm

Bệnh suy  giãn tĩnh mạch

Bệnh suy giãn tĩnh mạch gây sưng nề chân

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các van một chiều trong hệ thống tĩnh mạch chân bị hỏng, khiến cho dòng máu không lưu thông theo hướng về tim mà trào ngược lại và ứ đọng lại ở chân. Chúng gây nên những búi giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên cẳng chân, đùi, bàn chân, và ở giai đoạn nặng sẽ gây nên phù chân.

Các triệu chứng thường gặp khác của suy giãn tĩnh mạch bao gồm:

  • Mỏi, tức nặng chân đặc biệt khi đứng lâu hoặc ngồi lâu
  • Thay đổi màu sắc da chân, nhất là ở vùng quanh mắt cá chân
  • Da trở nên khô, cứng, nứt nẻ
  • Đau chân
  • Loét chân

Đọc thêm: Suy giãn tĩnh mạch chân là gì? Làm cách nào để điều trị?

Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính gây phù nề chân

Thận làm nhiệm vụ nhà máy lọc, đào thải các chất có hại ra khỏi cơ thể. Khi thận mất chức năng do một quá trình bệnh lý lâu dài, nước và các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, gây sưng nề ở mặt, tay, chân.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Khát nhiều
  • Chảy máu và bầm tím

Suy thận cấp

Trái với bệnh thận mạn tính, suy thận cấp là tình trạng thận dừng đột ngột hoạt động của nó, điều này nhanh chóng khiến chân sưng nề.

Suy thận cấp thường là hậu quả của một số vấn đề nghiêm trọng hơn như tình trạng sốc, nhiễm độc, bít tắc đường dẫn nước tiểu … và đòi hỏi người bệnh phải nhập viện để được điều trị kịp thời.

Suy chức năng gan

Xơ gan gây phù nề chân và dịch cổ trướng
Người bệnh bị suy chức năng gan với dịch cổ trướng ở bụng và phù nề chân

Gan là nhà máy tổng hợp protein cho cơ thể. Khi chức năng gan suy giảm (do viêm gan, xơ gan, ung thư, hoặc nhiễm độc), sự sụt giảm tổng hợp protein khiến áp lực keo trong máu giảm, đẩy nước từ trong lòng mạch thoát vào mô đệm.  Ngoài ra, phù trong suy chức năng gan còn có nguyên nhân từ sự rối loạn tổng hợp hormon và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Phù chân trong xơ gan thường khởi phát quanh mắt cá chân, mặt trước cẳng chân, sau đó lan ra toàn bộ chân.

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm:

  • Vàng da, vàng mắt
  • Cổ trướng (dịch trong ổ bụng)
  • Nổi các nhánh tuần hoàn bàng hệ ở bụng, ngực
  • Chảy máu tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài ra máu)

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể  gây ra sưng nề ở chân. Chúng bao gồm:

Các thuốc chẹn kênh calci thường dùng để điều trị tăng huyết áp như

  • Amlodipine
  • Nifedipine

Các thuốc chống viêm không phải Steroid (NSAIDs)

  • Aspirin
  • Ibuprofen
  • Naproxen
  • Celecoxib

Một số thuốc điều trị tiểu đường, như Metformin

Các thuốc nội tiết có chứa estrogen hoặc progesteron

Một số thuốc chống trầm cảm

Hãy liên hệ với bác sĩ của bạn nếu thấy chân của mình bị sưng nề khi dùng các thuốc này.

Mang thai

Phù chân khi mang thai

Trong tam cá nguyệt thứ 3, sự phát triển nhanh chóng của thai nhi khiến áp lực đặt lên hệ tĩnh mạch chân tăng lên. Điều này làm cho tuần hoàn từ chân về tim trở nên chậm chạp, dẫn tới phù nề chân, thường là ở mức độ nhẹ.

Tuy nhiên nếu bạn thấy tình trạng phù chân ở mức độ nặng khi mang thai, hoặc xuất hiện thêm nhiều tình trạng khó chịu khác, rất có thể bạn đã mắc phải tiền sản giật, một bệnh lý do bất thường ở hệ thống động mạch của bánh rau.

Tiền sản giật đặc trưng bởi 3 triệu chứng:

  • Phù (chân, mặt, bàn tay)
  • Tăng huyết áp
  • Protein niệu

Các triệu chứng phổ biến khác của tiền sản giật bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đi tiểu ít
  • Nhìn mờ, ám điểm
  • Đau hạ sườn phải

Trong một số ít trường hợp, mang thai làm nặng lên tình trạng suy giãn tĩnh mạch đã có từ trước đó, làm xuất hiện các búi giãn tĩnh mạch và tăng mức độ sưng nề ở chân.

Các nguyên nhân thường gặp gây sưng nề chân do viêm

Viêm khớp và các vấn đề khác của khớp

Gout: là bệnh lý khớp hay gặp do sự lắng đọng các tinh thể acid uric trong khớp. Chúng gây nên những cơn đau cấp tính tại khớp và tình trạng sưng nề cục bộ xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh là những người uống nhiều rượu hoặc chế độ ăn giàu đạm.

Viêm bao hoạt dịch khớp gối (Knee bursitis): là tình trạng viêm của các túi thông với ổ khớp gối, chứa đầy dịch bên trong. Chúng thường gây đau, sưng nề và nóng ở vùng da phía trên bao hoạt dịch. Cảm giác đau tăng lên khi người bệnh vận động hoặc đứng lâu.

Viêm xương khớp (Osteoarthritis): là dạng viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra khi lớp sụn đệm ở các đầu xương bị bào mòn theo thời gian. Các đầu xương của khớp cọ sát vào nhau trực tiếp lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng đau và cứng khớp. Triệu chứng thường gặp là tình trạng sưng nề, nóng, và tiếng lục khục khi cử động khớp.

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis): là một bệnh lý tự miễn, trong đó hệ miễn dịch sản sinh ra các hoạt chất tấn công vào mô khớp. Nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng lúc, với các tổn thương làm hủy hoại nhiều cấu trúc của khớp, kèm theo các triệu chứng toàn thân (như mệt mỏi, yếu cơ, sốt…). Tại các khớp bị tổn thương có tình trạng sưng nề, đau và cứng khớp, về lâu dài gây biến dạng khớp.

Chấn thương ở chân

đến gặp bác sĩ để xử lý vết bầm tím

Các chấn thương ở chân (khớp gối, cổ chân …) rất thường gặp trong đời sống hàng ngày và khi luyện tập thể dục thể thao. Sưng nề là một trong các phản ứng tự nhiên của cơ thể sau khi gặp chấn thương. Bầm tím cũng rất thường gặp do tụ máu dưới da.

Đôi khi tình trạng sưng nề chân có thể trở nên nguy hiểm, như trong hội chứng chèn ép khoang. Đây là tình trạng phù nề mô mềm trong một khoang kín, được bao bọc bằng các cân và vách xơ ở đùi, cẳng chân. Phần mềm bị phù nề không có khoảng trống để giãn nở dẫn tới tăng áp lực trong khoang, làm cản trở dòng máu đi nuôi chi thể, có thể dẫn tới hoại tử chi.

Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào (Cellulitis) là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn (như streptococcus, staphylococcus) xâm nhập qua những vết thương nhỏ ở chân (như vết cắn, đốt của côn trùng, vết loét chưa liền …). Bệnh thường xuất hiện ở vùng cẳng, bàn chân.

Viêm mô tế bào gây sưng nề chân nhanh
Cẳng chân sưng nề và đỏ ở bệnh nhân viêm mô tế bào

Các triệu chứng thường gặp của viêm mô tế bào bao gồm:

  • Một vùng đỏ da có xu hướng lan rộng dần
  • Nóng ở vùng đỏ da
  • Đau
  • Sốt
  • Nổi các nốt phỏng nước
  • Phù nề và ấn lõm ở vùng tổn thương

Viêm mô tế bào thường tiến triển rất nhanh, khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu nhiều. Điều trị chủ yếu bằng kháng sinh diệt khuẩn, cố định và kê cao chân để giảm phù nề.

Các vết thương và ổ apxe

Bất kì một vết thương nào ở chân đều kích thích cơ thể tạo ra một phản ứng viêm, nhằm cô lập các tác nhân gây hại và điều động hệ thống miễn dịch đến để phòng vệ, sửa chữa vết thương. Phù nề là một trong số những phản ứng của cơ thể, do tình trạng xung huyết của các mạch máu ở vùng tổn thương, khiến dịch thoát vào khoang gian bào.

Các ổ apxe có bản chất là một ổ hoại tử chứa dịch mủ (xác vi khuẩn, tế bào chết, enzyme phân hủy …). Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ vùng nào của chân, là hậu quả của một phản ứng viêm mạnh mẽ. Xung quanh những ổ apxe thường có một “hàng rào” tổ chức sưng nề, đôi khi là rất rộng. Sử dụng kháng sinh và trích rạch ổ apxe là những phương pháp điều trị thường dùng cho tổn thương loại này ở chân.

Bạn còn biết thêm những nguyên nhân nào gây sưng nề ở chân? Hãy để lại comment bên dưới bài viết này để mọi người cùng tham khảo.

Nguồn: WebMD

Benhtinhmach.com là trang web cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các bệnh lý tĩnh mạch cũng như các biện pháp điều trị chúng.
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quay lên trên
0
Bình luận bài viết này ngay!x