Một bệnh nhân nữ trung niên, trượt đốt sống thắt lưng thứ 5 và đốt sống cùng 1 với cơn đau từ năm 2014. Bệnh nhân đã được tư vấn phẫu thuật hàn đốt sống và được phẫu thuật vào năm 2015. Sau phẫu thuật bệnh nhân xuất hiện cơn đau dữ dội, phim kiểm tra cho thấy cột sống đã được nắn hoàn hảo, không có triệu chứng thần kinh, cơn đau có đặc điểm đau nhiều vào ban đêm và khiến bệnh nhân phải đi lại và mất ngủ. Các loại thuốc giảm đau thần kinh đã được sử dụng nhưng đau không bớt. Điều duy nhất khiến chúng tôi nghĩ đến hội chứng chân không ngơi nghỉ là bệnh nhân phải đi lại suốt đêm để giảm đau. Thuốc đặc trị được cho bệnh nhân uống và thật kỳ diệu, chỉ sau một tuần cơn đau đã giảm hẳn. Việc điều trị kéo dài 6 tháng làm lui bệnh và bệnh nhân mất hẳn cơn đau.
Hội chứng chân không ngơi nghỉ là gì?
Hội chứng chân không ngơi nghỉ, còn gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một rối loạn vận động của các chi do nguyên nhân thần kinh gây ra những cảm giác khó chịu ở chân khi chân để yên không vận động, có khi thấy như bị châm chích hay tê buốt, khiến bệnh nhân (là trẻ con hay người lớn) có một nhu cầu không thể cưỡng nổi là phải vận động ngay chân cẳng.
Nhu cầu này thường xảy ra về đêm lúc đi ngủ nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi các chân không hoạt động, ví dụ như khi ngồi lâu (ví dụ đi ô tô đường dài hay khi xem chiếu bóng).
Đặc điểm quan trọng là khi bệnh nhân cử động chân hoặc ngồi dậy và đi lại hay chạy vòng quanh thì các triệu chứng này biến mất và bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Nhiều bệnh nhân không thể ngủ ban đêm vì họ phải vận động chân hay phải đứng dậy đi tới đi lui mới thấy dễ chịu. Một số bệnh nhân đi khám bệnh vì lý do mất ngủ mà không để ý đến cái gốc của vấn đề là họ phải đi tới đi lui suốt đêm hoặc phải cử động nhúc nhích chân suốt đêm khiến cho họ bị mất ngủ. Chúng tôi cũng có một số bệnh nhân được chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới và đã điều trị cả năm nhưng không bớt. Một chi tiết mà bệnh nhân nói khiến chúng tôi chú ý, đó là việc chồng bệnh nhân phải đấm bóp thì bệnh nhân mới giảm bớt triệu chứng tê mỏi cẳng chân.
Hội chứng chân không ngơi nghỉ phổ biến hơn bạn nghĩ. 15% dân số Mỹ mắc hội chứng này. Tại phòng khám của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ này chiếm 1-2%.
Triệu chứng của hội chứng chân không ngơi nghỉ

Các triệu chứng bao gồm:
+ Khó chịu ở chân hay các lo sợ bất an: có những cảm giác được mô tả là khiếp hãi, ngứa, bị kéo đẩy, sởn gai ốc, ngứa ran, bỏng rát, bị gặm nhấm, hay đau. Các cảm giác này xảy ra vào giờ đi ngủ nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mà chân không vận động.
+ Có nhu cầu phải cử động chân ngay để loại bỏ những khó chịu ở chân, nhu cầu này là không kiểm soát được.
+ Giấc ngủ bị gián đoạn, phải có thêm thời gian để ngủ lại vì nhu cầu vận động chân để loại bỏ cảm giác khó chịu.
+ Buồn ngủ ngày.
Chẩn đoán hội chứng chân không ngơi nghỉ
Không có một tiêu chuẩn hay một nghiệm pháp nào đặc hiệu cho hội chứng chân không ngơi nghỉ. Chẩn đoán phải dựa trên các triệu chứng. Bệnh sử và khám thực thể đầy đủ giúp loại trừ các vấn đề khác về sức khỏe.
Một bản khảo sát giấc ngủ qua đêm có thể được khuyến cáo để đánh giá các rối loạn khác của giấc ngủ, đặc biệt là rối loạn vận động chỉ theo chu kỳ (một rối loạn đá chân hay co rúm chân tay khi ngủ mà đứa bé không hay biết).
Theo Hiệp hội Hội chứng chân không ngơi nghỉ (RLS), để được chẩn đoán chính thức là Hội chứng chân không ngơi nghỉ, những tiêu chuẩn sau đây là phải có ở đứa bé trên 12 tuổi:
+ Phải có nhu cầu gần như không thể cưỡng nổi là việc cử động chân và thường có các cảm giác như đã nói ở trên.
+ Các triệu chứng bắt đầu hay trở nên xấu hơn khi chân tay nghỉ. Thời gian nghỉ càng dài thì khả năng xảy ra các triệu chứng càng lớn và dường như càng nặng hơn.
+ Khi cử động chân tay, các triệu chứng sẽ giảm ngay. Có thể hết hoàn toàn hay hết một phần nhưng các triệu chứng chỉ duy trì được lâu dài chừng nào mà các chân còn tiếp tục cử động.
+ Các triệu chứng của hội chứng này xấu hơn về chiều tối và nhất là khi nằm xuống. Ít khi gặp hoặc chỉ bị nhẹ vào buổi sáng.
Các triệu chứng nói trên có giảm nhẹ ở các trẻ dưới 12 tuổi, khi đó chẩn đoán có thể kém chắc chắn hơn.
Chi tiết quan trọng nhất để chẩn đoán Hội chứng chân không ngơi nghỉ là bệnh nhân phải cử động chân hay tay mới làm giảm được triệu chứng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của Hội chứng chân không ngơi nghỉ đáng ngạc nhiên là vẫn chưa được biết rõ. Một lý thuyết hiện tại cho rằng sự thiếu dopamin trong não là nguyên nhân gây ra hội chứng này.
Hội chứng này có thể có bản chất di truyền, nhất là ở những người mắc dưới 40 tuổi. Hơn 60% người bị hội chứng này có yếu tố gia đình. Một số gen đã được xác minh là có liên quan đến hội chứng, dù người ta vẫn chưa hiểu rõ cơ chế gây bệnh.

Theo các tài liệu kinh điển, hội chứng chân không ngơi nghỉ có thể được chia vào hai nhóm nguyên nhân: nguyên phát hoặc thứ phát.
Nguyên nhân nguyên phát
Bệnh thường xuất hiện trễ và từ từ, vào khoảng tuổi 40-45, có thể biến mất sau vài tháng hay vài năm. Nếu hội chứng xảy ra ở trẻ em, thường hay bị chẩn đoán nhầm với đau do tăng trưởng xương.
Nguyên nhân thứ phát
Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu sắt, gặp ở khoảng 20% bệnh nhân. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy có khoảng 34% bệnh nhân bị hội chứng này có thiếu sắt, so với chỉ 6% ở nhóm đối chứng.

Những lý do khác bao gồm: giãn tĩnh mạch, thiếu acid folic, thiếu Magie, đau xơ-cơ, ngưng thở khi ngủ, tăng urê huyết, tiểu đường, bệnh thận, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh Parkinson, viêm khớp dạng thấp…
Một số thuốc có thể làm cho Hội chứng chân không ngơi nghỉ nặng hơn hoặc gây ra các tác dụng phụ là hội chứng này, bao gồm:
- Thuốc chống nôn ói
- Thuốc kháng histamin, đặc biệt là các loại thuốc không cần kê toa cho các bệnh cảm lạnh
- Thuốc chống trầm cảm
- Các thuốc tâm thần hoặc một số thuốc chống co giật
- Thuốc hạ đường-huyết
- Các thuốc giải thuốc phiện
- Thuốc an thần kinh
Ở tủy sống, các dây thần kinh bị suy yếu cũng có ảnh hưởng đến hội chứng chân không ngơi nghỉ.
Đọc thêm: 7 loại thực phẩm tốt giúp ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch
Bất thường của chuyển hóa sắt: Thiếu sắt, ngay ở mức quá nhẹ để gây ra thiếu máu, có liên quan đến hội chứng chân không ngơi nghỉ ở một số người. Theo vài nghiên cứu thì 25-30% bệnh nhân mắc hội chứng này có độ sắt thấp. Các kết quả nghiên cứu ủng hộ một giả thuyết hiện nay cho rằng những thay đổi trong phức hợp điều hòa chuyển hóa sắt có tham gia vào cơ chế hình thành các triệu chứng của hội chứng chân không ngơi nghỉ.
Điều trị hội chứng chân không ngơi nghỉ
Hãy lựa chọn các thói quen phù hợp khi đi ngủ và tránh xa những thói quen xấu. Ví dụ: Cà phê làm cho hội chứng tiến triển xấu thêm, do đó phải tránh các thực phẩm chứa cà phê, sôcôla, ca cao…

Sử dụng các tiện nghi hỗ trợ cho các chân. Dùng các đệm ấm, khăn lạnh, cân nhắc việc chà xát chân để loại bỏ tạm thời cảm giác khó chịu ở chân. Xem xét thêm việc xoa bóp, bấm huyệt, đi lại, duỗi chân hay các kỹ thuật thư giãn khác.
Cung cấp các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nhờ bác sĩ chọn cho con bạn các thực phẩm có sắt và cả acid folic nếu cần. Chú ý chế độ ăn cân đối và bổ dưỡng cho trẻ em bị bệnh.
Việc điều trị bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân khi có thể phát hiện được nguyên nhân. Đơn giản nhất là các thứ thuốc bổ sung sắt và folat.
Các loại thuốc khác bao gồm: các yếu tố dopamin (carbidopalevodopa), các chất kích thích dopamin (ropinirole, pramipexole), các benzodiazepin (clonazepam), thuốc chống co giật (gabapentin), và clonidin…
Cẩn thận với các thuốc điều trị buồn nôn, cảm lạnh, dị ứng, giải trầm cảm phiền muộn. Việc chỉ định dùng thuốc và theo dõi phải do bác sĩ điều trị vì các thuốc có thể gây ra Hội chứng chân không ngơi nghỉ hoặc làm cho nó nặng hơn.
Bên cạnh đó chúng ta cần điều trị các bệnh lý đi kèm của bệnh nhân như: thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, giãn tĩnh mạch… là các bệnh hay gặp kèm theo.
Một số mẹo giúp người bệnh dễ ngủ
- Tránh rượu, thuốc lá, các bữa ăn thịnh soạn về chiều tối, chúng là tác nhân làm gián đoạn giấc ngủ. Không ăn nhiều 2-3 giờ trước khi đi ngủ. Ăn qua loa 45 phút trước ngủ nếu bạn vẫn thấy đói.
- Hãy thư giãn. Một giờ trước ngủ chỉ làm gì đó nhẹ nhàng, ví dụ đọc sách. Không nên dùng laptop vì ánh sáng màn hình của máy làm kích hoạt não.
- Khi bạn không thể ngủ, đi sang buồng khác và làm điều gì đó thư giãn cho đến khi bạn cảm thấy mệt. Tốt nhất là sử dụng máy vi tính, xem tivi bên ngoài phòng ngủ. Chỉ sử dụng giường vào việc ngủ.
- Cuối cùng, nếu bạn vẫn thấy khó ngủ, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ của mình.