Tất áp lực (compression stocking), hay còn gọi là tất y khoa là một sản phẩm quen thuộc đối với những người mắc chứng suy giãn tĩnh mạch và những bệnh lý khác của tĩnh mạch chân. Tuy nhiên cơ chế tác dụng của chúng như thế nào, và sử dụng sao cho đúng lại là điều mà nhiều người chưa biết. Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp của độc giả về tất y khoa.
Tất áp lực có điểm gì đặc biệt khác với tất thường?
Tất áp lực khác với tất thường ở chỗ nó được thiết kế đặc biệt để tạo ra áp lực lên chân, từ mắt cá chân lên phía bắp chân và đùi. Áp lực này giúp hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn, giúp máu lưu thông đều đặn về tim. Tất thường không có tính năng này và không giúp cải thiện lưu thông máu.

Tất áp lực giúp ích gì cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch?
Tất áp lực có tác dụng làm giảm áp lực trong các tĩnh mạch bị giãn, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Điều này có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch như đau nhức, sưng phù, và cảm giác nặng chân. Việc đeo tất đều đặn hàng ngày giúp phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng như loét chân và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Tất áp lực giúp ích gì cho người mắc huyết khối tĩnh mạch?
Đối với người mắc huyết khối tĩnh mạch, tất y khoa giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông mới bằng cách cải thiện lưu thông máu và ngăn ngừa hiện tượng ứ đọng máu trong tĩnh mạch. Điều này cũng có thể giúp giảm sưng và đau, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi.
Tất áp lực được mang như thế nào, trong thời gian nào?
Tất y khoa nên được mang từ buổi sáng, ngay sau khi thức dậy, khi chân chưa bị sưng. Nên đeo tất trong suốt cả ngày và chỉ tháo ra trước khi đi ngủ. Đối với người có bệnh lý nặng hơn, việc mang tất cả ngày lẫn đêm có thể được bác sĩ khuyến nghị.
Ngoài ra, tất áp lực cũng rất thường được sử dụng cho bệnh nhân sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch (bằng liệu pháp tiêm xơ, phẫu thuật hay can thiệp nội mạch). Việc mang tất sau điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ tĩnh mạch.
Những khó chịu thường gặp khi lần đầu mang tất?
Khi mới bắt đầu sử dụng, một số người có thể cảm thấy khó chịu, như cảm giác bó sát hoặc áp lực quá mạnh ở các khu vực như mắt cá chân và bắp chân. Tuy nhiên, những cảm giác này thường giảm dần sau vài ngày sử dụng, khi bạn đã quen dần với tất. Nếu bạn vẫn thấy cảm giác bó chặt kéo dài không thuyên giảm, có thể bạn đã lựa chọn sai cỡ tất. Hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn đổi lại kích cỡ phù hợp hơn với đôi chân của mình.
Ngứa cũng là một cảm giác khó chịu thường gặp khi mang tất. Chúng thường có nguyên nhân từ chất liệu cao su ở phần đầu trên của tất gây kích ứng da, thậm chí là phản ứng dị ứng mạnh. Việc lật phần cao su này ra ngoài khi không phải di chuyển nhiều là một giải pháp tình thế khá hữu hiệu. Ngoài ra, có thể đệm lót bên trong phần đai cao su bằng một lớp gạc mềm. Cuối cùng, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc chống dị ứng để điều trị tình trạng ngứa quá mức.
Tất y khoa có bao nhiêu độ, mỗi độ phù hợp cho nhóm đối tượng nào?
Tên gọi khoa học đầy đủ của tất áp lực là “Tất áp lực chia độ” (Graduated compression stocking) do chúng được thiết kế với nhiều mức độ áp lực khác nhau lên chân của người bệnh, nhằm phù hợp điều trị cho những trạng thái bệnh tĩnh mạch nhất định. Áp lực của tất thường được phân loại theo đơn vị mmHg.
- Nhẹ (8-15 mmHg): Dành cho những người có dấu hiệu nhẹ của suy giãn tĩnh mạch hoặc dùng phòng ngừa.
- Vừa (15-20 mmHg): Dành cho người có triệu chứng suy giãn tĩnh mạch rõ rệt hoặc phụ nữ mang thai.
- Cao (20-30 mmHg): Dành cho những người đã được chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch nặng hoặc sau phẫu thuật.
- Rất cao (30-40 mmHg): Dành cho những người mắc bệnh lý tĩnh mạch nghiêm trọng, như huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bạn có thể tìm thấy thông tin về áp lực của tất ở nhãn dán trên tất hoặc vỏ hộp đựng. Ngày nay, nhà sản xuất cũng có thể phân loại tất theo độ (độ 1, độ 2, độ 3, tương ứng với áp lực dưới 20 mmHg, từ 20-30 mmHg và trên 30 mmHg).
Tất áp lực có giúp tĩnh mạch suy giãn phục hồi được không?
Tất áp lực không thể phục hồi được tĩnh mạch đã bị suy giãn, bởi chúng không làm thay đổi được cấu trúc của thành mạch bị bệnh cũng như không thể sửa chữa được hệ thống van tĩnh mạch đã mất chức nặng. Tuy nhiên nó có thể giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển.
Để điều trị triệt để dòng trào ngược trong các tĩnh mạch bị suy giãn, những phương pháp tác động trực tiếp vào tĩnh mạch như tiêm xơ, phẫu thuật hay can thiệp laser nội mạch mới là lựa chọn hàng đầu của các bác sĩ.
Những lưu ý khi sử dụng và bảo quản tất áp lực?
Để bảo quản tất đúng cách, bạn nên:
- Giặt tất bằng tay với nước ấm và xà phòng nhẹ, tránh vặn xoắn tất để giữ độ co giãn.
- Phơi tất ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc nguồn nhiệt cao.
- Nên thay tất mới sau khoảng 3-6 tháng sử dụng để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bạn có nên cắt tất áp lực hay không?
Một số bệnh nhân thấy khó chịu ở một số phần của tất, hoặc có vết thương ở da chân và muốn cắt tất. Tuy nhiên không nên làm điều này vì chúng có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Cấu trúc tất đã được thiết kế để tạo ra áp lực đúng cách, nếu bị cắt hoặc chỉnh sửa, nó sẽ không còn tác dụng như ban đầu.
Bạn có thể mua tất áp lực ở đâu?
Tất áp lực có thể được mua tại các hiệu thuốc, cửa hàng dụng cụ y tế, hoặc trên các trang thương mại điện tử. Điều tối quan trọng khi mua tất là bạn phải được đo kích thước chân để lựa chọn cỡ (size) tất phù hợp. Điều này cần được thực hiện bởi một nhân viên y tế hoặc người bán hàng đã được đào tạo về chuyên môn và cách lựa chọn tất phù hợp.