Dòng trào ngược (reflux) là một thuật ngữ thường được dùng trong bệnh lý suy giãn tĩnh mạch để mô tả tình trạng lưu thông bất thường của dòng máu trong hệ thống tĩnh mạch, gây ra do sự hư hỏng của lá van bên trong tĩnh mạch. Dòng trào ngược làm cho tĩnh mạch dần giãn ra và dẫn đến bệnh lý suy giãn tĩnh mạch.
Nguyên nhân của dòng trào ngược
Ở trạng thái bình thường, dòng máu trong tĩnh mạch di chuyển theo chiều từ ngoại vi (vùng xa của cơ thể) về trung tâm (hướng về phía tim), mang máu nghèo oxy và dưỡng chất quay trở lại tim phải để tái lập chu trình tuần hoàn. Để làm được việc này cần có 2 yếu tố chính là lực hút của tim và hệ thống van tĩnh mạch.
Các lá van trong lòng tĩnh mạch chỉ cho dòng máu đi qua theo 1 chiều. Ở chân, do trọng lực trái đất luôn có xu hướng kéo dòng máu hướng xuống dưới (ở tư thế đứng, ngồi), nên hoạt động của các lá van giữ cho cột máu trong tĩnh mạch không bị tụt xuống mà đi lên dần về phía tim theo từng “nấc thang” một.
Khi các lá van bị hư hỏng, chúng tạo ra những “kẽ hở” khi đóng lại, làm cho một lượng máu đi qua “kẽ hở” này và dồn ngược lại xuống đoạn mạch phía dưới, hậu quả là tăng áp lực cho đoạn mạch phía dưới và dần làm cho tĩnh mạch giãn ra. Tiến triển dần dần của tình trạng này qua nhiều tháng nhiều năm được gọi là trào ngược tĩnh mạch mạn tính.
Phát hiện trào ngược qua van tĩnh mạch như thế nào?
Siêu âm là phương pháp thăm khám đầu tay và phổ biến nhất hiện nay để đánh giá dòng trào ngược tĩnh mạch chân. Thông thường bệnh nhân sẽ được siêu âm ở tư thế đứng để phát hiện dòng trào ngược dễ dàng hơn.
Đọc thêm: Siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, những điều cần biết
Dòng trào ngược có thể được nhận định trên siêu âm 2D, siêu âm Doppler màu và siêu âm Doppler phổ.
Hậu quả của dòng trào ngược
Trào ngược tĩnh mạch mãn tính đã được khoa học chứng minh là bệnh di truyền nhưng phổ biến hơn ở người béo phì, phụ nữ mang thai và những người làm nghề phải đứng nhiều như thợ làm tóc, y tá, giáo viên, công nhân … Bạn cũng sẽ dễ mắc tình trạng này hơn nếu bị chấn thương ở chân hoặc phải nằm bất động lâu dài sau phẫu thuật.
Dòng trào ngược tạo nên những búi giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo ở chân, không chỉ ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, gây ra khó chịu ở chân khi đi, đứng hàng ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Cảm giác tức nặng ở chân
- Nhanh mỏi chân khi đứng, khó đứng lâu một chỗ
- Ngứa, nóng ở vị trí các búi giãn
- Chuột rút về đêm
Nếu không được điều trị, dòng máu đảo ngược qua van có thể gây nên những biến chứng nặng nề cho đôi chân, một số có thể không thể hồi phục được, ví dụ như:
- Phù nề chân
- Thay đổi sắc tố da vùng cẳng chân
- Chàm tĩnh mạch
- Loét chân lâu liền
- Hình thành huyết khối trong các búi giãn
Đọc thêm: Các cấp độ của bệnh tĩnh mạch mạn tính chi dưới
Điều trị dòng trào ngược gây suy giãn tĩnh mạch
Nguyên tắc trong điều trị suy giãn tĩnh mạch là phải loại bỏ dòng trào ngược là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứ máu và suy giãn tĩnh mạch.
Các phương pháp điều trị nhằm loại bỏ tĩnh mạch bị suy là những lựa chọn phổ biến hiện nay, chúng bao gồm:
- Phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch
- Can thiệp sóng cao tần nội tĩnh mạch
- Can thiệp laser nội tĩnh mạch
- Can thiệp keo sinh học
- Tiêm xơ tĩnh mạch
- Can thiệp hóa cơ học nội mạch
Một số phương pháp điều trị dòng trào ngược bằng cách sửa chữa lại van tĩnh mạch bị hỏng cũng đã và đang được nghiên cứu, tuy nhiên ứng dụng của chúng trong thực tế điều trị chưa phổ biến và giá thành tương đối cao. Có thể kế đến một số phương pháp như:
- Ghép van tĩnh mạch đồng loại
- Sửa van tĩnh mạch bằng tấm bọc polyurethane
- Phẫu thuật tạo hình van tĩnh mạch
- Ghép đoạn tĩnh mạch