Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật Mạch máu – Các rối loạn Tĩnh mạch và Bạch huyết, các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu kết quả lâu dài của can thiệp sóng cao tần (RFA) đối với tĩnh mạch hiển lớn (GSV) và xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến việc tái thông GSV và các búi giãn tĩnh mạch tái phát (RVV).
Nghiên cứu đã phân tích hồi cứu dữ liệu từ 1300 bệnh nhân được thực hiện can thiệp sóng cao tần để điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn từ năm 2009 đến năm 2019. Các mục tiêu chính là đánh giá mức độ tái thông của GSV và tỷ lệ xuất hiện các búi giãn tĩnh mạch tái phát trong thời gian theo dõi. Nghiên cứu cũng tìm hiểu những biến chứng sau can thiệp và các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng tái thông GSV và RVV.
Kết quả phân tích cho thấy, trong số 1568 chi được điều trị, tỷ lệ thành công về mặt kỹ thuật là 99,7%. Kết quả theo dõi trung bình 57,2 ± 25,4 tháng cho thấy tỷ lệ đóng GSV thành công và không cần can thiệp lại tương ứng là 100% trong vòng 1 tuần, 97% và 95,7% sau 1 năm, 95,2% và 93,1% sau 3 năm, 92,4% và 92,8 % sau 5 năm. Tỷ lệ tái phát chung vào khoảng 10% trong thời gian theo dõi.
Nghiên cứu cũng phát hiện một số yếu tố nguy cơ của việc tái thông GSV sau can thiệp, bao gồm:
- Sự hợp lưu trực tiếp của tĩnh mạch hiển phụ trước vào điểm nối hiển – đùi
- Tiền sử mang thai trên 2 lần
- Phân loại lâm sàng C4
- Đường kính GSV trước can thiệp >10 mm
Các yếu tố nguy cơ của búi giãn tĩnh mạch tái phát bao gồm:
- Sự hiện diện của suy tĩnh mạch xuyên
- Tuổi bệnh nhân trên 70
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng can thiệp sóng cao tần là một kĩ thuật an toàn và hiệu quả bền vững để điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn trong 5 năm theo dõi. Tuy nhiên vẫn có khoảng 10% bệnh nhân xuất hiện tái phát bệnh. Những bệnh nhân có điểm lâm sàng cao (C4 trở lên) và có đặc điểm giải phẫu cụ thể, chẳng hạn như sự hợp lưu trực tiếp của tĩnh mạch hiển phụ trước vào điểm nối hiển – đùi, thường có tỷ lệ tái thông GSV và RVV cao hơn theo thời gian.