Một bàn tay lão hóa đặc trưng bởi các dấu hiệu nổi bật như giãn tĩnh mạch mạng lưới, rối loạn sắc tố, các nếp nhăn và những tình trạng tương tự, phát triển từ sự thiểu sản của da và mô dưới da do quá trình lão hóa tự nhiên và tích tụ bức xạ cực tím. Mặc dù có nhiều thủ thuật khác nhau giúp phục hồi bàn tay và điều trị tăng sắc tố, nhưng điều trị tĩnh mạch mạng lưới ở mu bàn tay thường bị bỏ qua. Bains cùng cộng sự đã đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi của bàn tay, được nhận biết thông qua một bảng câu hỏi cho bệnh nhân dựa trên hình ảnh, một vài trong số đó có các tĩnh mạch giãn, khuyết điểm và nếp nhăn đã được xóa đi bằng công nghệ số. Các bức ảnh chụp có tĩnh mạch mu bàn tay bị xóa được đánh giá là trẻ hơn so với ảnh gốc trong mọi trường hợp.
Liệu pháp gây xơ là “chuẩn vàng” để điều trị tĩnh mạch mạng lưới và tiểu tĩnh mạch ở chi dưới. Tuy nhiên có khá ít nghiên cứu đánh giá hiệu quả tiêm xơ tĩnh mạch mu bàn tay. Duffy và cộng sự đã đánh giá điều trị các tĩnh mạch giãn ở mu bàn tay bằng chất gây xơ dạng lỏng trong một nghiên cứu hồi cứu trên 100 bệnh nhân. Người bệnh được điều trị với 0,5% sodium tetradecyl sulfate (STS), 1,5% hoặc 3% polydocanol (POL), tất cả đều sử dụng liệu pháp nén ép sau tiêm xơ. Tỷ lệ thất bại điều trị lên đến 80% với 0,5% STS hoặc 1,5%POL, so với 5% khi dùng 3%POL. Các tác dụng phụ bao gồm đau, bầm tím, tĩnh mạch tân tạo (matting veins) và phù. Bowes và Goldman điều trị tĩnh mạch giãn ở 14 bàn tay (7 bệnh nhân) với dung dịch 1,5% tới 3% STS, 11 trong số 14 bàn tay cho thấy tĩnh mạch được điều trị biến mất hoàn toàn, tỷ lệ cải thiện trung bình đạt 97,8% mà không có một tác dụng phụ nào.
Kết hợp dụng dịch chất gây xơ (POL hoặc STS) với khí trời hoặc CO2 làm tăng hiệu quả điều trị bởi làm tăng thời gian tiếp xúc giữa bọt khí và nội mạc mạch máu, cũng như làm giảm tác dụng phụ nhờ sự pha loãng nồng độ thuốc gây xơ. Mặc dù tiêm xơ bằng bọt đã trở nên phổ biến trong điều trị tĩnh mạch chân, chỉ có một vài báo cáo trong y văn đề cập đến độ an toàn và hiệu quả của nó trong điều trị tĩnh mạch mu bàn tay. Nghiên cứu hồi cứu này nhằm mục đích đánh giá kết cục điều trị được phân loại theo bệnh nhân, mức độ hài lòng, tác dụng không mong muốn và mức độ sẵn sàng cho điều trị lại sau tiêm xơ tĩnh mạch mu bàn tay.
Phương pháp
Thu thập dữ liệu bệnh nhân
Đây là một nghiên cứu hồi cứu không ngẫu nhiên với các bệnh nhân được điều trị tiêm xơ bằng bọt cho các tĩnh mạch ở mu bàn tay (búi giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng lưới). Bệnh nhân được lựa chọn từ một cơ sở y tế duy nhất từ một biểu đồ điện tử. Tất cả bệnh nhân điều trị tĩnh mạch mu bàn tay bằng bọt gây xơ từ 2003 đến 2012 được bao gồm trong nghiên cứu.
Bệnh nhân được liên lạc qua điện thoại và được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi đánh giá kết quả điều trị, mức độ hài lòng, các tác dụng phụ xảy ra và ý định điều trị lặp lại. Kết cục điều trị được đánh giá bằng thuật ngữ “mức độ cải thiện của bệnh nhân” (patient-graded improvement) trên một thang đo 4 điểm:
- 0: không cải thiện
- 1: cải thiện ít
- 2: cải thiện vừa phải
- 3: cải thiện hoàn toàn (tĩnh mạch biến mất hoàn toàn)
Mức độ hài lòng của bệnh nhân với điều trị được đánh giá bằng thang 3 điểm:
- 0: hoàn toàn không hài lòng
- 1: hài lòng vừa phải
- 2: rất hài lòng
Cuối cùng bệnh nhân được hỏi liệu họ có muốn tiếp tục một liệu trình điều trị khác hay không, nếu cần.
- 0: không
- 1: có thể
- 2: chắc chắn
Các sự cố không mong muốn, bao gồm đau, bầm tím, phù, tăng sắc tố, ban đỏ, ngứa, mạch tân tạo, loét, và đông tụ nội mạch, được đánh giá bằng thang 4 điểm:
- 0: không
- 1: ít
- 2: trung bình
- 3: nặng
Với mỗi sự cố không mong muốn, khoảng thời gian có triệu chứng (tính theo ngày) và phương án xử trí được ghi nhận. Với các bệnh nhân có tình trạng đông tụ nội mạch (coagula), có hay không việc chích dẫn lưu (và số lần chích) cũng được ghi lại. Tỷ lệ các tác dụng phụ toàn thân được ghi nhận, bao gồm biến cố thần kinh (đau đầu, thiếu máu não thoáng qua, hoặc thay đổi thị lực), biến cố hô hấp (ho, đau ngực, khó thở, huyết khối tĩnh mạch sâu). Dữ liệu về tác dụng không mong muốn được loại trừ ở những bệnh nhân gặp khó khăn khi nhớ lại quá trình điều trị của họ.
Kỹ thuật tiêm
Các bệnh nhân được tiêm xơ bằng bọt dựa trên kĩ thuật tạo bọt kiểu Tessari hoặc kiểu “double-syringe”. Chất lượng bọt giống với mô tả trước đó của Rao và Goldman. Một bơm tiêm vô trùng 5mL được dùng để lấy 4mL khí trời. Trong khi một bơm tiêm 3mL khác được dùng để lấy 1mL STS nồng độ 0,25%, 0,5% hoặc 1% (biệt dược Sotradecol; Bioniche Pharma). Hai bơm tiêm được gắn với một bộ kết nối hai đầu và được trộn đều các chất bên trong khoảng 10 lần, tạo thành hỗn hợp bọt gây xơ. Nồng độ STS được sử dụng liên quan trực tiếp với đường kính của tĩnh mạch.
Bệnh nhân được điều trị trong tư thế ngồi với bàn tay và cẳng tay vuông góc với thân người. Một y tá dùng tay bóp để làm garo quanh đoạn giữa cẳng tay bệnh nhân nhằm làm giãn các tĩnh mạch vùng mu bàn tay và ngăn cản dòng chảy của bọt gây xơ về tĩnh mạch trung tâm. Bọt gây xơ được tiêm qua bơm tiêm 3mL với kĩ thuật tiêm trực tiếp bằng kim 30G, ½ inch. Thông thường nhất, 3-5mL bọt được dùng cho mỗi tay. Ngay sau khi tháo garo, tay được nâng cao (bàn tay, cánh tay song song với thân người), điều dưỡng xoa bóp theo hướng từ gần đến xa bắt đầu từ giữa cẳng tay. Khi cánh tay vẫn trong tư thế nâng cao, sát trùng vị trí tiêm và cuốn băng đàn hồi từ vị trí giữa cẳng tay đến bàn tay. Băng ép sẽ được tháo sau 24 giờ. Bệnh nhân được hướng dẫn theo dõi những thay đổi ở ngón tay như màu sắc, cảm giác, nhiệt độ, nới lỏng băng ép khi các triệu chứng này xuất hiện. Trừ một trường hợp, tất cả các bệnh nhân đều được điều trị một tay trong mỗi phiên điều trị, cho phép tay còn lại thực hiện chức năng bình thường, chẳng hạn như lái xe. Tay còn lại sẽ được điều trị vào ngày tiếp theo hoặc trong vòng một tuần.
Kết quả
Bệnh nhân
45 bệnh nhân đã trải qua liệu pháp tiêm xơ điều trị tĩnh mạch mu bàn tay. 21 người đã được theo dõi bằng điện thoại hoặc bằng một cuộc gặp trực tiếp để hoàn thành các câu hỏi. 19 người không nghe điện thoại không rõ lí do, 4 người không thể liên lạc được và 1 người có hồ sơ không đầy đủ. Với các bệnh nhân được tiếp cận qua điện thoại, thời gian theo dõi trung bình là 3,7±2,8 (0,5-9) năm sau tiêm xơ. Tất cả bệnh nhân được điều trị bằng dung dịch STS.
Kết quả điều trị
Tất cả 21 bệnh nhân (38 bàn tay) được tiêm xơ đã liên hệ thành công đều là phụ nữ. Tuổi trung bình ở thời điểm điều trị là 61,1±10,2 (49-72) năm. Số phiên điều trị trung bình cho mỗi tay là 1,42±0,60 (1-3), với tổng cộng 54 phiên. Lượng dung dịch gây xơ trung bình dùng cho mỗi bàn tay là 1,1±0,6 (0,5-2) mL, và lượng bọt là 5,2±1,6 (2,5-10) mL cho mỗi tay. Nồng độ STS 0,35% tới 1% đã được sử dụng, voiiws 0,5% (32 phiên) và 0,25% (13 phiên) chiếm ưu thế. Nồng độ STS không được ghi lại trong 8 phiên điều trị.
Tác dụng không mong muốn
Bệnh nhân được hỏi về các tác dụng không mong muốn sau điều trị theo thang 4 điểm, và điểm trung bình được tính toán trong hình 1. Không bệnh nhân nào bị ngứa hoặc loét sau điều trị. Điểm đau trung bình là 0,6±0,8, kéo dài trung bình 7,4 ngày. Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị gì thêm, số ít sử dụng acetaminophen khi cần thiết. Phù và đỏ da lần lượt có điểm trung bình là 0,8±0,8 và 0,2±0,4, kéo dài khoảng 3-4 ngày sau khi điều trị và cũng không cần can thiệp. Bầm tím sau điều trị ghi nhận ở mức nhẹ (0,3±0,5), kéo dài trung bình 3,7 ngày. Một bệnh nhân báo cáo có tăng sắc tố mức độ vừa kéo dài 4,5 tháng và không đòi hỏi phải điều trị. 13 bệnh nhân (61,9%) có đông tụ nội mạch hoặc hiện tượng đông cứng các tĩnh mạch được điều trị, với điểm trung bình là 1,2±0,5. Hầu hết các chất đông tụ được chích dẫn lưu bằng kim 22G sau 2 tuần theo dõi, và hầu như cũng chỉ cần một phiên điều trị để thực hiện thủ thuật này (range 1-4). Tất cả bệnh nhân đều đã phân giải hết chất đông tụ sau 2 tháng. Mặc dù không có báo cáo về tiểu tĩnh mạch tân tạo, 2 bệnh nhân đã phàn nàn về việc các tĩnh mạch gần vùng điều trị giãn lớn.
Không bệnh nhân nào bị đau đầu, thay đổi thị lực, các triệu chứng của thiếu máu não thoáng qua, huyết khối tĩnh mạch sâu, đau ngực, hoặc ho sau điều trị. Một bệnh nhân có tiền sử “hen phế quản nhẹ” được báo cáo khó thở sau 20 phút trong 2/3 phiên điều trị, tự hồi phục mà không cần can thiệp. Một bệnh nhân báo cáo tình trạng khó tiếp cận tĩnh mạch ở cẳng tay để tiêm tĩnh mạch sau các phiên điều trị.
Kết cục điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân
Điểm trung bình về mức độ cải thiện của các tĩnh mạch là 2,55±0,56 dựa trên thang 4 điểm (bảng 1). Điểm hài lòng trung bình là 1,79±0,41 dựa trên thang 3 điểm (bảng 2). Bệnh nhân cũng thể hiện mức độ sẵn lòng cho một liệu trình điều trị khác như sau: 17 sẵn sàng, 2 có thể, và 2 không muốn tiếp tục một liệu trình khác (bảng 3). Hình 2 và 3 cho thấy sự cải thiện có ý nghĩa về mặt thẩm mĩ ở các tĩnh mạch mu bàn tay có thể đạt được sau 1 đến 2 phiên điều trị.
Bảng 1. Hầu hết bệnh nhân báo cáo mức độ cải thiện trung bình đến hoàn toàn với các tĩnh mạch mu tay.
Mức độ cải thiện (điểm) | Số lượng tay điều trị (%) |
Biến mất hoàn toàn (3) | 20 (52,6) |
Cải thiện trung bình (2) | 17 (44,7) |
Cải thiện ít (1) | 1 (2,6) |
Không cải thiện (0) | 0 (0) |
Bảng 2. Phần lớn bệnh nhân rất hài lòng với kết quả điều trị.
Mức độ hài lòng (điểm) | Số lượng tay điều trị (%) |
Rất hài lòng (2) | 30 (78,9) |
Hài lòng vừa phải (1) | 8 (21,1) |
Không hài lòng (0) | 0 (0) |
Trung bình +/- SD | 1,79 +/- 0,41 |
Bảng 3. Phần lớn bệnh nhân sẵn sàng điều trị một liệu trình lặp lại, nếu cần.
Mức độ sẵn lòng điều trị lặp lại (điểm) | Số lượng bệnh nhân (%) |
Sẵn sàng (2) | 17 (81,0) |
Có thể (1) | 2 (9,5) |
Không (0) | 2 (9,5) |
Trung bình +/- SD | 1,74 +/- 0,60 |
Thảo luận
Các tĩnh mạch mạng lưới giãn to góp phần rất nhiều vào diện mạo lão hóa của bàn tay. Mặc dù có hiệu quả trong việc điều trị các tĩnh mạch mu bàn tay, nhưng liệu pháp tiêm xơ chưa được sử dụng rộng rãi, và y văn cũng thiếu những dữ liệu về kết cục điều trị cũng như tác dụng không mong muốn. Chúng tôi báo cáo một phân tích hồi cứu về kết quả điều trị và mức độ hài lòng của người bệnh ở 21 bệnh nhân được tiêm xơ với STS 0,25% tới 1% cho tĩnh mạch mu bàn tay.
Nhìn chung, bệnh nhân hài lòng với kết quả họ nhận được, và hầu hết sẵn lòng có thể một đợt điều trị khác. Các bệnh nhân không hài lòng thì thấy rằng mặc dù các tĩnh mạch được cải thiện, chúng không làm bàn tay của họ trông trẻ hơn. Ở những ca này, bệnh nhân thường bị hao hụt đáng kể mô dưới da ở bàn tay và thủ thuật tiêm Filler làm đầy mô mềm dưới da có thể có ích lợi hơn với họ.
Các tác dụng phụ sau điều trị tiêm xơ điều trị tĩnh mạch mạng lưới ở mu bàn tay không giống với tiêm xơ ở chân. Tác dụng phụ thường gặp nhất là sự hình thành chất đông tụ hay cục máu đông, phù hợp với các nghiên cứu trước đây, sau đó là đau nhẹ, ban đỏ, bầm tím và phù. Chỉ một bệnh nhân có tăng sắc tố nhẹ, biến mất sau vài tháng, ít hơn từ 20% đến 30% so với các báo cáo về tăng sắc tố sau tiêm xơ ở chân. Không có báo cáo về ngứa, loét hoặc mạch tân tạo. Mặc dù 14,5% có hiện tượng mạch tân tạo ở mu bàn tay trong báo cáo của Duffy, chúng giới hạn trong nhóm các bệnh nhân được điều trị với nồng độ dung dịch gây xơ cao (3% POL). Một bệnh nhân của chúng tôi bị khó thở sau 20 phút tiêm xơ, nhưng tự phục hồi mà không cần can thiệp. Sau điều trị, bệnh nhân báo cáo tiền sử mắc hen phế quả nhẹ, được kiểm soát thỉnh thoảng bằng albuterol xịt từ khi còn nhỏ. Đây là tác dụng phụ toàn thân duy nhất được báo cáo trong tất cả các bệnh nhân, và có thể do tình trạng quá mẫn phổi liên quan đến bệnh hen. Dị ứng đã biết với chất gây xơ, hen phế quản nặng, tiền sử dị ứng nặng là những chống chỉ định với các chất gây xơ, ngoại trừ nước muối ưu trương.
Đọc thêm: [Dành cho bác sĩ] Quản lý biến chứng sau liệu pháp tiêm xơ
Mặt trái của tiêm xơ điều trị tĩnh mạch mạng lưới ở mu bàn tay là những lo ngại về việc khó khăn trong thủ thuật tiêm tĩnh mạch trong tương lai, do gây ảnh hưởng đến dòng chảy tĩnh mạch từ bàn tay. Một bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đã được báo cáo về tình trạng này. Điều thú vị là báo cáo của Shamma và Guy cho thấy những người có tĩnh mạch nổi bật ở bàn tay thì cũng có tĩnh mạch giãn ở khắp chi trên của họ. Dù vậy, có vẻ sẽ là quá thận trọng khi khám toàn bộ các tĩnh mạch ở chi trên và chỉ định điều trị chỉ cho những bệnh nhân có tĩnh mạch giãn lớn và nổi bật. Các chỉ định khác của điều trị tĩnh mạch mu bàn tay được liệt kê trong bảng 4.
– Hội chứng đường hầm cổ tay.
– Tiền sử phẫu thuật bàn tay.
– Có cầu tay lọc máu.
– Đau bàn tay mạn tính, yếu, phù nề, viêm khớp nặng hoặc các bất thường về chức năng bàn tay.
(Điều chỉnh theo Duffy DM. Cosmetic applications of sclerotherapy. G Ital Dermatol Venereol 2012;147:45–63).
Có 3 hệ thống độc lập (mặc dù có những liên kết với nhau) của tĩnh mạch ở bàn tay: tĩnh mạch nông gan tay, tĩnh mạch sâu gan tay và tĩnh mạch mu bàn tay. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các tĩnh mạch của ngón tay có van có dòng chảy từ mặt gan tay ra mu tay, từ ngoại vi vào trung tâm, và hướng từ xương quay sang xương trụ, khiến tĩnh mạch mu tay trở thành tuyến đường chính của dòng thoát tĩnh mạch bàn tay. Tuy nhiên, hệ thống tĩnh mạch sâu và nông của bàn tay và cẳng tay có rất nhiều nhánh liên lạc với nhau, tạo nên một hệ thống có độ kết nối cao.
Bàn tay không bị phù dai dẳng sau khi phá hủy những tĩnh mạch này là minh chứng cho sự kết nối rộng rãi của tĩnh mạch bàn tay. Trong y văn về phẫu thuật mạch máu, có rất ít sự quan tâm về biến chứng tổn thương tĩnh mạch cũng vì lí do này. Trong một nghiên cứu trên 28 bệnh nhân được điều trị với can thiệp nội mạch tĩnh mạch mu tay bằng diode laser 940nm, sưng nề bàn tay xuất hiện ở tất cả các ca những tự hồi phục sau 14 ngày hoặc ít hơn. Các ca sưng nề toàn bộ chi trên chỉ xuất hiện khi tắc các tĩnh mạch lớn về phía trung tâm. Ví dụ như huyết khối tĩnh mạch sâu của tĩnh mạch nách hoặc tĩnh mạch dưới đó, hoặc trong trường hợp tăng áp lực tĩnh mạch khi có thông động tĩnh mạch.
Tĩnh mạch đầu
Tĩnh mạch nền
Tĩnh mạch trụ trung gian
Mạng lưới tĩnh mạch của mu bàn tay
–Tĩnh mạch ngón tay
–Tĩnh mạch mu xương bàn tay
–Tĩnh mạch kẽ ngón tay
Cung tĩnh mạch gan tay nông
–Tĩnh mạch gan ngón tay
–Tĩnh mạch kẽ ngón tay
Các tĩnh mạch ngang nối liền các hệ thống *
Hệ thống tĩnh mạch sâu
Các tĩnh mạch đi kèm với động mạch quay và động mạch trụ
Hệ thống tĩnh mạch sâu gan tay
–Tĩnh mạch gan ngón tay chung
–Tĩnh mạch gan bàn tay
–Cung tĩnh mạch gan tay sâu **
* Vùng mu tay không có các tĩnh mạch sâu.
** Các tĩnh mạch mu tay và gan tay liên hệ với nhau thông qua những đường kết nối ngang và chếch.
Tắc nghẽn đường ra cũng có thể xảy ra với tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền, tĩnh mạch trụ trung gian của cẳng tay. Ở những bệnh nhân bẩm sinh bị thiếu một trong những tĩnh mạch này thì các tĩnh mạch còn lại thường tăng kích thước để bù đắp lại. Giới hạn điều trị tiêm xơ cho hệ thống tĩnh mạch mu tay và các tĩnh mạch mu bàn tay sẽ giúp các tĩnh mạch ở cẳng tay không bị ảnh hưởng và hồi lưu tĩnh mạch có thể tái tạo lại từ hệ thống tĩnh mạch gan tay.
Giới hạn chính của nghiên cứu hồi cứu này là dựa trên khả năng nhớ chủ quan của bệnh nhân (với các tác dụng không mong muốn), mất dữ liệu từ bệnh án chưa hoàn thiện và cỡ mẫu nhỏ. Các nghiên cứu sau sẽ cần xác nhận mức độ an toàn và kết quả điều trị của liệu pháp tiêm xơ với các tĩnh mạch mạng lưới và búi giãn tĩnh mạch ở mu tay.
Kết luận
Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi và đánh giá trong y văn, liệu pháp tiêm xơ bằng bọt điều trị tĩnh mạch mạng lưới ở mu bàn tay có lẽ là an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân có mức độ hài lòng tuyệt vời trong dài hạn và ít trải nghiệm về tác dụng không mong muốn hơn so với liệu pháp tiêm xơ tĩnh mạch ở chân. Những nghiên cứu tiến cứu với theo dõi tại phòng khám trên một cỡ mẫu lớn hơn là cần thiết để khẳng định những đánh giá này.
Nguồn: Foam sclerotherapy for reticular veins of the dorsal hands: a retrospective review