MOCA, viết tắt của Mechanochemical Ablation (loại bỏ bằng hóa cơ học), là một phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch không cần gây tê tại chỗ. Thiết bị được sử dụng trong phương pháp này có tên là Clarivein. Đây là một kỹ thuật tiên tiến, được phát triển bởi bác sĩ Michael Tal, và đã được sử dụng từ năm 1999 để thay thế cho phương pháp cắt bỏ tĩnh mạch truyền thống, vốn có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị.
Clarivein hoạt động dựa trên nguyên lý kết hợp giữa tác động cơ học và hóa học để loại bỏ tĩnh mạch mất chức năng. Trong quá trình điều trị, một catheter nhỏ được đưa vào bên trong tĩnh mạch. Đầu catheter có một dây kim loại đặc biệt có thể quay với tốc độ khoảng 3000 vòng/phút, gây tổn thương cho thành tĩnh mạch. Đồng thời, một dung dịch chất gây xơ được tiêm qua catheter, giúp tăng cường hiệu quả của quá trình “tiêu diệt” tĩnh mạch.
Phương pháp này không chỉ giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân mà còn giảm thiểu thời gian hồi phục sau điều trị. Nó cũng được biết đến với việc không để lại sẹo và có thể thực hiện nhanh chóng, thường chỉ mất khoảng 30 phút. Clarivein được FDA chấp thuận từ năm 2008 và đã được sử dụng rộng rãi bởi các bác sĩ chuyên khoa tĩnh mạch hàng đầu tại Mỹ cũng như nhiều trung tâm tĩnh mạch trên thế giới. Tại Việt Nam, Clarivein cũng được sử dụng trong những năm gần đây với kết quả bước đầu khá tích cực.
Đọc thêm: Kết quả điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới bằng Clarivein tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Chỉ định
Các chỉ định phổ biến của MOCA trong điều trị suy giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Điều trị thân tĩnh mạch hiển mất chức năng: bao gồm thân tĩnh mạch hiển lớn, hiển trước và hiển bé.
- Điều trị các búi giãn tĩnh mạch lớn: MOCA có thể được sử dụng để điều trị các búi giãn tĩnh mạch có kích thước lớn, kể cả những tĩnh mạch uốn lượn phức tạp.
- Điều trị suy tĩnh mạch tái phát: MOCA cũng hiệu quả trong việc điều trị các trường hợp suy giãn tĩnh mạch tái phát sau các phương pháp điều trị khác.
Ưu điểm của MOCA
- Tỷ lệ thành công cao: Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh hiệu quả của MOCA, với tỷ lệ đóng thành công tĩnh mạch và giảm triệu chứng cao, giao động từ 88% đến 100% tùy từng nghiên cứu.
- Linh hoạt: MOCA có thể được áp dụng cho nhiều loại tĩnh mạch suy giãn khác nhau.
- Không cần gây tê quanh tĩnh mạch (tumescent anesthesia): Do không sinh ra nhiệt như các phương pháp can thiệp nội nhiệt (themal ablation) nên MOCA không cần có bước gây tê quanh tĩnh mạch. Điều này giúp giảm thiểu cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
- Không tổn thương dây thần kinh: cũng do không sinh ra nhiệt trong quá trình can thiệp, MOCA đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các dây thần kinh lân cận tĩnh mạch.
- Thời gian hồi phục ngắn: Bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường nhanh chóng ngay sau khi điều trị.
- Không để lại sẹo: MOCA không gây ra sẹo sau điều trị, đảm bảo thẩm mỹ tốt cho người bệnh.
- Thực hiện nhanh chóng: Quá trình điều trị thường chỉ mất khoảng 30 phút cho mỗi chi.
Cơ chế tác dụng của MOCA
Cách thức hoạt động của MOCA có thể được mô tả như sau:
- Tác động cơ học: Một catheter nhỏ, với một đầu quay, được đưa vào tĩnh mạch bị suy giãn thông qua một vết đâm nhỏ. Đầu catheter này có thể quay với tốc độ cao, tạo ra tác động cơ học lên thành tĩnh mạch khiến nội mạc tĩnh mạch bị phá hủy, từ đó kích thích phản xạ co mạch và các phản ứng gây đông máu.
- Tác động hóa học: Đồng thời với tác động cơ học, một dung dịch tiêm xơ (như polydocanol hoặc sodium tetradecyl sulfate) được tiêm vào tĩnh mạch thông qua catheter. Dung dịch này gây ra phản ứng hóa học, làm cho tĩnh mạch co lại, xơ hóa và tiêu biến sau một thời gian nhất định.
Kết hợp hai tác động này, MOCA rất hiệu quả trong việc gây tắc và xơ hóa tĩnh mạch bị suy giãn mà không cần đến nhiệt độ cao hay gây tê tại chỗ, giảm thiểu đau đớn và thời gian hồi phục cho bệnh nhân. Phương pháp này cũng giảm thiểu nguy cơ tổn thương cho các cấu trúc lân cận và không để lại sẹo sau điều trị.
Siêu âm thường được sử dụng để dẫn đường cho catheter đi vào đúng tĩnh mạch cần điều trị.
Một số tác dụng phụ
Khi sử dụng phương pháp MOCA với thiết bị Clarivein, các rủi ro và biến chứng là tương đối thấp. Tuy nhiên, giống như các thủ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch khác, hóa cơ học cũng có những tác dụng không mong muốn xảy ra trong và sau quá trình điều trị. Có thể kể đến các tác dụng phụ thường gặp như:
- Phản ứng với dung dịch tiêm xơ: Mặc dù hiếm, nhưng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với dung dịch tiêm xơ được sử dụng trong quá trình điều trị.
- Tổn thương tĩnh mạch: kĩ thuật có thể gây tổn thương cho các tĩnh mạch lân cận do sự quay của dây kim loại trong catheter.
- Bầm tím và viêm tĩnh mạch: Có thể xảy ra tình trạng bầm tím và viêm tĩnh mạch sau điều trị, nhưng thường sẽ giảm dần và biến mất sau một thời gian ngắn.
- Đau nhẹ: Một số bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhẹ sau khi thực hiện thủ thuật, nhưng cảm giác này thường không kéo dài.
- Các tác dụng phụ khác đến từ thuốc gây xơ: giống với những tác dụng phụ của liệu pháp tiêm xơ (Sclerotherapy).
Đọc thêm: Tiêm xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch
Hãy trao đổi với bác sĩ tĩnh mạch của bạn để biết về hiệu quả cũng như những khó chịu bạn có thể gặp phải trong và sau quá trình điều trị bằng MOCA. Bác sĩ sẽ luôn cân nhắc giữa lợi ích thu được và những nguy cơ có thể có để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp cho người bệnh.
Cần làm gì sau khi điều trị bằng hóa cơ học
Khi MOCA được thực hiện đúng kĩ thuật, người bệnh hoàn toàn có thể đứng dậy, đi lại bình thường ngay sau khi kết thúc thủ thuật.
Tất áp lực được khuyến cáo sử dụng cho người bệnh trong vài ngày sau khi điều trị bằng phương pháp hóa cơ học. Chúng giúp giảm cảm giác khó chịu do viêm mạch và hỗ trợ cho tuần hoàn tĩnh mạch của chi dưới. Hãy tuân thủ thời gian mang tất theo tư vấn của bác sĩ.
Người bệnh có thể dụng một số thuốc giảm đau, chống viêm nếu xuất hiện cảm giác đau nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ sau điều trị. Tuy nhiên điều này khá hiếm khi xảy ra. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng các loại thuốc này.
Tái khám sau điều trị bằng hóa cơ học là rất cần thiết để đánh giá hiệu quả điều trị suy giãn tĩnh mạch. Người bệnh thường được hẹn tái khám định kì sau 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng, 6 tháng kể từ thời điểm thực hiện MOCA. Các phương pháp trị liệu bổ sung như tiêm xơ, laser bề mặt có thể được áp dụng để xử lý những mạch máu nhỏ mà MOCA không tác động đến được.
Đọc thêm: Laser điều trị giãn tĩnh mạch mạng nhện