Suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai là tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới xuất hiện trong thai kì, chúng có thể gây nên nhiều khó chịu cho thai phụ, nhưng thường biến mất sau khi sinh. Trong số ít trường hợp, bệnh có thể tiến triển nặng hơn sau khi sinh, đòi hỏi cần phải được thăm khám và điều trị.
Thai nghén từ lâu đã là một yếu tố nguy cơ gây phát sinh bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nếu bạn mắc suy giãn tĩnh mạch từ trước khi mang thai, quá trình thai nghén có thể làm bệnh nặng hơn.
Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mang thai ở quý II, quý III đến khám do các búi tĩnh mạch giãn nổi ngoằn ngoèo ở chân, kèm theo cảm giác khó chịu được mô tả như căng tức bắp chân, cảm giác khó chịu buồn bực ở chân, chuột rút về đêm.
Nguyên nhân của tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai
Di truyền
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có yếu tố di truyền. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều gen có liên quan đến bệnh này. Nếu trong gia đình của bạn có bố hoặc mẹ mắc bệnh suy tĩnh mạch, bạn có khoảng 40% nguy cơ mắc. Nếu cả bố và mẹ cùng mắc, nguy cơ này tăng lên đến 90%.
Tăng khối lượng tuần hoàn
Trong suốt thai kì, thể tích máu trong hệ tuần hoàn gia tăng đến 20% để phục vụ cho quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Khối lượng máu tăng lên đồng nghĩa gánh nặng cho hệ mạch máu tăng lên, đặc biệt đối với tĩnh mạch chân, nơi tập trung đáng kể lượng máu dự trữ của cơ thể.
Sự đè ép của tử cung
Tử cung trong thai kì to dần lên do sự phát triển của thai nhi, và gây chèn ép vào các tĩnh mạch lớn trong ổ bụng như tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch chậu … Các tĩnh mạch này chính là đường về của máu từ chi dưới hai bên. Kết quả là áp lực trong hệ tĩnh mạch chi dưới tăng lên.
Thay đổi nội tiết tố
Trong thai kì, nồng độ hormon progesteron tăng lên đáng kể. Đây là hormon giúp an thai, bảo vệ sự phát triển bình thường của thai nhi, kích thích niêm mạc tử cung phát triển và ngăn chặn các cơn co tử cung. Tuy nhiên, progesteron cũng làm giãn hệ thống dây chằng ở khung chậu và giãn các tế bào cơ trơn của thành mạch máu. Điều này khiến mạch máu dễ bị giãn ra hơn.
Các yếu tố trên phối hợp làm cho thành tĩnh mạch trở nên “mỏng manh” hơn, áp lực lên hệ thống van tĩnh mạch chi dưới tăng lên, cuối cùng là tình trạng suy tĩnh mạch tiến triển.
Ngoài tĩnh mạch chi dưới, các tĩnh mạch khác cũng thường bị ảnh hưởng là tĩnh mạch ở hậu môn (gây ra trĩ), hoặc tĩnh mạch ở bộ phận sinh dục.
Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai
Các búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo ở cẳng chân và đùi là những triệu chứng điển hình của bệnh. Các búi tĩnh mạch nổi trên bề mặt da, có màu xanh hoặc tím, ấm nóng khi sờ vào. Vị trí điển hình là ở mặt trong cẳng chân, đùi hoặc ở bắp chân phía sau.
Các triệu chứng khác mà bà bầu có thể gặp phải như:
- Phù nề nhẹ ở bàn chân và quanh cổ chân
- Đau nhức bắp chân
- Cảm giác đau nhói ở chân
- Nặng chân
- Tê chân, ngứa
- Chuột rút
Một điều cần nhớ là các triệu chứng này có thể xuất hiện nhưng không đi kèm với tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Nếu bạn có những triệu chứng trên, một cuộc thăm khám siêu âm tĩnh mạch là cần thiết để xác định xem thai phụ có bị suy giãn tĩnh mạch thực sự hay không.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai
Đi tất áp lực là phương án điều trị thường được bác sĩ chỉ định cho phụ nữ có thai mắc suy giãn tĩnh mạch gặp phải các triệu chứng khó chịu kể trên.
Tất áp lực có nhiều loại, tùy thuộc vào áp lực mà tất có thể tác dụng lên chân khi đi vào. Đơn vị đo áp lực thường được sử dụng là mmHg. Tất áp lực dành cho phụ nữ có thai thường dùng là loại 20-30 mmHg. Tất áp lực hỗ trợ đẩy máu trong hệ thống tĩnh mạch chân về tim, qua đó giúp giảm triệu chứng khó chịu cho thai phụ.
Các phương pháp điều trị như tiêm xơ tĩnh mạch, phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch thường không được khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai do những nguy cơ chúng đem lại cho thai nhi.
Đọc thêm: Khi nào cần phải điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch?
phần lớn các trường hợp, các triệu chứng của bệnh tĩnh mạch sẽ thuyên giảm và biến mất sau khoảng 3-6 tháng sau khi sinh.
Nếu các triệu chứng không hết hoàn toàn, khi kết thúc thời kì cho con bú, bạn nên gặp lại bác sĩ chuyên khoa tĩnh mạch để thăm khám và điều trị.
Làm cách nào để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch trong thai kì?
Một số biện pháp đơn giản giúp các mẹ bầu phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch, hoặc làm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu do bệnh đem lại:
– Thường xuyên vận động đôi chân.
– Áp dụng một số bài tập thể dục nhẹ nhàng, với ít động tác.
Đọc thêm: Các bài tập dành cho người mắc suy giãn tĩnh mạch
– Tập thói quen hít thở sâu, xoay lưng sau khi đứng lâu hoặc ngồi lâu.
– Không bắt chéo chân khi ngồi.
– Nằm nghiêng trái khi ngủ (để làm giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, do tĩnh mạch này nằm ở bên phải cột sống).
– Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
– Tăng cường uống nước và ăn nhiều rau xanh để phòng tránh táo bón.
– Không đi giày cao gót. Một đôi giày/dép phẳng là lựa chọn tốt giúp cho lưu thông máu ở chân tốt hơn.
Các mẹ bầu có thắc mắc về nội dung bài viết hoặc muốn hỏi về tình trạng suy giãn tĩnh mạch của mình có thể để lại comment bên dưới bài viết này để được tư vấn.
Tài liệu tham khảo:
- Varicose Veins in Your Legs During Pregnancy – WebMD
- Varicose veins of lower extremities: Insights from the first large-scale genetic study
- Interventions for varicose veins and leg oedema in pregnancy