Tĩnh mạch bờ ngoài (Lateral marginal vein – LMV) hay còn gọi là tĩnh mạch Servelle, hoặc tĩnh mạch Klippel – Trenaunay là một tĩnh mạch nằm ở mặt bên ngoài chi dưới, nó tồn tại ở thời kì phôi thai và thoái triển dần trước khi trẻ ra đời. Tuy nhiên trong nhiều hội chứng bệnh lý, tĩnh mạch này còn tồn tại sau khi sinh và có thể tiến triển thành suy tĩnh mạch mạn tính.
Tĩnh mạch bờ ngoài cùng với tĩnh mạch hông (persistent sciatic vein) là hai tĩnh mạch ở thời kì phôi thai thường tồn tại sau khi sinh ở chi dưới.
Tĩnh mạch bờ ngoài là một phần trong hệ tĩnh mạch nông ở chi dưới. Nó được cấu thành bởi nhiều nhánh ở vùng khoeo chân và dưới khoeo. Chúng thường phát sinh từ mặt ngoài bàn chân, mắt cá ngoài hoặc mặt ngoài khớp gối. Thân chính của tĩnh mạch chạy dọc theo mặt bên ngoài đùi và/hoặc cẳng chân. Trên đường đi, nó có thể tách ra nhiều nhánh xuyên để kết nối với các tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch chày sau …) và kết thúc khi đổ vào tĩnh mạch chậu ngoài hoặc các tĩnh mạch vùng mông. Trong một số trường hợp, tĩnh mạch bờ ngoài lại đổ vào tĩnh mạch hiển lớn hoặc các nhánh phụ của tĩnh mạch hiển lớn (hình 1).
Phân loại của Weber chia tĩnh mạch bờ ngoài ra thành các type sau:
Phân loại | Dẫn lưu vào |
Type I | Tĩnh mạch hiển lớn phía dưới tĩnh mạch khoeo |
Type IIA | Tĩnh mạch hiển phụ trong, có thể có mạch xuyên nối với tĩnh mạch đùi sâu |
Type IIB | Tĩnh mạch hiển phụ ngoài, có thể có mạch xuyên nối với tĩnh mạch đùi sâu |
Type III | Tĩnh mạch khoeo và tĩnh mạch đùi sâu |
Type IV | Các tĩnh mạch mông |
Trong đại đa số trường hợp, LMV luôn xuất hiện cùng tình trạng dị dạng mạch bạch huyết. Tĩnh mạch bờ ngoài không có van, và thường có lớp cơ trơn yếu, nên chúng thường tiến triển thành bệnh lý suy tĩnh mạch theo thời gian, và tiềm ẩn nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc nhồi máu phổi (PE) – biến chứng nguy hiểm nhất của suy tĩnh mạch.
Tình trạng suy giãn tĩnh mạch bờ ngoài thường gặp trên lâm sàng trong bệnh cảnh của hội chứng Klippel – Trenaunay (KTS) và các hội chứng phát triển quá mức liên quan đến gen PIK3CA. Trong 13% các trường hợp, sự hiện diện của LMV có liên quan đến giảm sản và bất sản tĩnh mạch sâu, trong đó bất thường tĩnh mạch khoeo là nhiều nhất (51%), sau đó là đến tĩnh mạch đùi (16%), cả tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch khoeo (29%), tĩnh mạch chậu (3,3%) và tĩnh mạch chủ dưới (0,7%).
Đọc thêm: Hội chứng Klippel – Trenaunay
Suy tĩnh mạch bờ ngoài thường tiến triển nặng dần theo tuổi và có thể dễ dàng được nhận biết bằng mắt thường khi thấy một tĩnh mạch nổi rõ ở mặt ngoài đùi, cẳng chân, có thể có các búi giãn ngoằn ngoèo lan xuống đến cổ chân, bàn chân. Siêu âm Doppler là công cụ phổ biến để đánh giá mức độ suy, đường đi, và sự dẫn lưu của LMV vào hệ thống tĩnh mạch sâu. Ngoài ra, chụp tĩnh mạch cản quang (venography), chụp cắt lớp vi tính mạch máu, chụp MRI cũng được sử dụng.
Việc phát hiện sớm suy tĩnh mạch bờ ngoài rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu, dòng trào ngược tiến triển nặng, hoặc rối loạn huyết động. Trị liệu thường bắt đầu bằng liệu pháp nén ép (tất áp lực, băng quấn áp lực …). Nếu có tình trạng phù bạch mạch kết hợp, sử dụng thiết bị khí nén ngắt quãng, kết hợp các biện pháp truyền thống như mát xa chân, vật lý trị liệu có thể sẽ giúp ích cho bệnh nhân. Tuy nhiên, liệu pháp nén ép đơn thuần thường không thể giải quyết hết các triệu chứng và nguy cơ cho bệnh nhân. Vì vậy, các biện pháp điều trị xâm lấn hoặc can thiệp tối thiểu thường được sử dụng để điều trị triệt để tĩnh mạch bờ ngoài. Chúng bao gồm:
- Can thiệp nhiệt nội mạch (laser, sóng cao tần)
- Can thiệp hóa cơ học (MOCA)
- Liệu pháp gây xơ
- Nút tắc tĩnh mạch bằng coil
- Phẫu thuật thắt mạch hoặc lấy bỏ tĩnh mạch
Trong nhiều trường hợp, cần phải kết hợp nhiều phương pháp để điều trị suy LMV, chẳng hạn kết hơp giữa can thiệp nội mạch và tiêm xơ, hoặc giữa nút tắc bằng coil và tiêm xơ. Ngoài ra, các tổn thương tĩnh mạch phối hợp (như các búi tĩnh mạch dị dạng, các tĩnh mạch bị suy khác) cũng cần được điều trị theo một liệu trình thống nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Doãn Hữu Linh (2022) Nhận xét đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân bị hội chứng Klippel-Trenaunay tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
- A rare case of persistent lateral marginal vein of Servelle in Klippel Trenaunay Syndrome: A successful surgical management
- Evaluation and management of the lateral marginal vein in Klippel-Trénaunay and other PIK3CA-related overgrowth syndromes