Hội chứng hậu huyết khối

Hội chứng hậu huyết khối là gì?

Nếu bạn đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (DVT), bạn có thể gặp các triệu chứng kéo dài ngay cả sau khi cục máu đông biến mất. Đây là tình trạng gọi là Hội chứng hậu huyết khối (Post-thrombotic Syndrome PTS). Hội chứng hậu huyết khối thường tiến triển ở chân, nhưng cũng có thể xảy ra ở tay.

Các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như loét da ở chân hoặc sưng tấy, có thể gây đau hoặc khó chịu. Chúng có thể xảy ra vài tháng hoặc đến 2 năm sau khi bạn bị DVT. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc tồn tại vĩnh viễn.

PTS phổ biến như thế nào?

PTS là một tình trạng thường gặp, ảnh hưởng đến khoảng 330.000 người Mỹ. Khoảng 20% – 40% những người từng bị DVT ở một trong các chi dưới sẽ mắc PTS sau này. Khoảng 10% người mắc PTS có các dấu hiệu nghiêm trọng, chẳng hạn như loét chân.

Nguyên nhân gây ra hội chứng hậu huyết khối

Các tĩnh mạch ở chân của bạn có các van nhỏ bên trong. Những van này giúp máu lưu thông trở lại tim từ chân. Một cục máu đông trong tĩnh mạch có thể làm hỏng và suy yếu các van này. Chúng có thể bị rò rỉ hoặc yếu đi về mặt chức năng. Máu có thể chảy theo hướng ngược lại và sau đó dồn ứ bên trong chân. Sự tích tụ của máu, dịch và áp lực trong tĩnh mạch chân cũng như mô dưới da gây ra hội chứng hậu huyết khối.

Minh họa dòng trào ngược trong lòng tĩnh mạch suy giãn

Đọc thêm: Dòng trào ngược trong suy giãn tĩnh mạch là gì?

Ai có thể mắc hội chứng hậu huyết khối?

Cả nam giới và nữ giới đều có thể mắc PTS. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Nguy cơ mắc bệnh này của bạn có thể tăng lên nếu bạn từng gặp các vấn đề sau:

  • Thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, tức là cục máu đông ở bất kỳ tĩnh mạch sâu nào phía trên đầu gối
  • Bị huyết khối tĩnh mạch sâu nhiều lần
  • Cục máu đông ở cùng một chân hai lần trở lên
  • Cục máu đông gây ra bất kỳ triệu chứng nào
  • Bất kỳ tình trạng tăng áp lực nào trong các tĩnh mạch chân

Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ mắc hội chứng hậu huyết khối cao hơn nếu:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Nồng độ thuốc làm loãng máu không ổn định trong 3 tháng đầu điều trị
  • Không dùng thuốc làm loãng máu sau khi bị huyết khối tĩnh mạch

Triệu chứng của PTS

Các triệu chứng của PTS có thể gây khó chịu hoặc thậm chí đau đớn. Chúng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn bằng cách khiến bạn khó đi lại hoặc hoạt động.

Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Bạn có thể cảm thấy chúng mọi lúc, hoặc chúng có thể xuất hiện rồi biến mất trong ngày.

Không phải ai cũng gặp phải tất cả các triệu chứng, nhưng chúng có thể bao gồm:

  • Đau nhức
  • Cảm giác nặng nề
  • Đau tăng lên khi đứng và giảm đau khi nâng cao chân hoặc nghỉ ngơi
  • Ngứa
  • Kiến bò
  • Chuột rút
  • Sưng nề
  • Loét chân
  • Da đổi màu thành xanh hoặc nâu
  • Da khô, bong tróc
  • Các búi giãn tĩnh mạch mới xuất hiện
  • Da cứng
  • Đau liên tục hoặc kéo dài

Chẩn đoán PTS

Bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ thăm khám và đánh giá các triệu chứng của bạn bằng cách sử dụng Thang điểm Villalta. Nếu điểm của bạn là 15 hoặc cao hơn, thì bạn bị hội chứng hậu huyết khối nặng.

Bạn có thể cần một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề về đông máu
  • Siêu âm để kiểm tra các vấn đề về van tĩnh mạch
Bạn có biết
Thang điểm Villalta đo lường 5 yếu tố mà bệnh nhân báo cáo theo cảm giác (nặng chân, chuột rút, cảm giác châm chích, ngứa, và đau) và sáu dấu hiệu mà bác sĩ báo cáo theo quan sát (sưng đỏ, giãn tĩnh mạch, phù chân, cứng da, đau khi ép bắp chân, và sạm da). Nó tương quan với điểm số chất lượng cuộc sống. Nó được xem là thang đo đáng tin cậy nhất để chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của hội chứng hậu huyết khối bởi Hiệp hội đông chảy máu Quốc tế.

Điều trị hội chứng hậu huyết khối

Vớ y khoa (tất áp lực): Là phương pháp chính để điều trị PTS. Chúng giúp cải thiện lưu thông máu qua tĩnh mạch, giảm đau và giảm sưng. Tất áp lực dùng cho bệnh nhân mắc PTS thường là loại có áp lực từ 20-30 mmHg. Ở Anh, NICE khuyến cáo bệnh nhân mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới mang tất áp lực dưới gối với áp lực nén ở mắt cá lớn hơn 23 mmHg trong ít nhất hai năm.

Hãy mang vớ y khoa mỗi ngày. Bạn không cần phải đeo chúng khi ngủ. Một số người thấy vớ y khoa khó chịu hoặc không thẩm mỹ, nhưng hiện nay chúng có nhiều kiểu dáng, phong cách và màu sắc để bạn lựa chọn loại phù hợp và thoải mái nhất.

Máy nén khí ngắt quãng: Bác sĩ có thể kê đơn thiết bị này để đeo trên chân nhằm tạo áp lực lên hệ thống tĩnh mạch. Tương tự tất áp lực, chúng giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau và sưng.

Chăm sóc da: Giữ ẩm da bằng thuốc mỡ như Vaselin. Bạn cũng có thể bảo vệ da bằng kem oxit kẽm, giúp tạo lớp màng bảo vệ. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc mỡ hoặc kem bôi Corticosteroid.

Điều trị loét chân: Nếu bạn bị loét chân, bạn có thể cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu, bác sĩ phẫu thuật mạch máu và chuyên gia chăm sóc vết thương. Các phương pháp điều trị loét chân bao gồm:

  • Sử dụng vớ y khoa
  • Nâng cao chân
  • Sử dụng các chế phẩm thuốc mỡ dành cho vết loét
  • Băng bó vết loét
  • Thuốc Pentoxifylline có thể giúp cải thiện lưu thông máu và cung cấp thêm oxy đến vùng loét.

Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả, bạn có thể cần đến phẫu thuật.

Phẫu thuật: Đối với những người có triệu chứng nặng và không cải thiện với điều trị bằng vớ y khoa, phẫu thuật có thể là lựa chọn tiếp theo. Bác sĩ phẫu thuật có thể đặt stent vào tĩnh mạch để điều trị tắc nghẽn hoặc thực hiện phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch.

Phòng ngừa PTS

Ngăn ngừa huyết khối sau phẫu thuật: Sử dụng vớ y khoa hoặc thiết bị áp lực theo hướng dẫn của bác sĩ sau bất kỳ thủ thuật nào, đặc biệt là khi bạn phải nằm bất động trên giường ở bệnh viện hoặc ở nhà. Hãy đứng dậy và đi lại ngay khi có thể.

Ngăn ngừa tái phát huyết khối: Nếu bạn bị nhiều cục máu đông ở cùng một tĩnh mạch, nguy cơ mắc PTS sẽ tăng cao. Dùng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Hãy tiếp tục dùng thuốc cho đến khi bác sĩ cho phép ngưng.

Giảm cân nếu thừa cân: Cân nặng quá mức sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ mắc PTS.

Khám sức khỏe định kỳ: Nếu bạn từng bị DVT, hãy đi khám bác sĩ theo lịch hẹn để kiểm tra sớm các dấu hiệu của PTS.

Kiểm soát triệu chứng tại nhà

Nếu bạn có các triệu chứng của PTS, những mẹo sau đây có thể giúp bạn kiểm soát chúng:

bài tập nâng cao chân dành cho người mắc hội chứng hậu huyết khối
  • Nâng cao chân: Thường xuyên kê cao chân vài lần một ngày. Giữ chân ở trạng thái nâng cao bất cứ khi nào bạn nằm xuống.
  • Tập thể dục: Đi bộ hàng ngày nếu có thể. Điều này có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp ở chân. Thường xuyên co duỗi mắt cá chân mỗi ngày để cơ bắp vùng cẳng chân được hoạt động. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập thể dục an toàn cho người mắc PTS.
  • Tránh nắng nóng: Hạn chế ở ngoài trời nắng nóng quá lâu nếu có thể.

Đọc thêm: Các bài tập dành cho người mắc suy giãn tĩnh mạch

Nguồn: WebMD

Benhtinhmach.com là trang web cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các bệnh lý tĩnh mạch cũng như các biện pháp điều trị chúng.
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quay lên trên
0
Bình luận bài viết này ngay!x