Bệnh sử
Bệnh nhân nữ 29 tuổi đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu với tình trạng chân phải to hơn chân trái, có các búi tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo từ mặt ngoài đùi phải xuống tới cổ bàn chân. Bệnh nhân thường xuyên nhức mỏi và tê chân phải từ gối trở xuống, căng tức vùng bắp chân và quanh gối.
Chẩn đoán và điều trị
Khám lâm sàng và siêu âm Duplex dễ dàng nhận định được sự tồn tại của tĩnh mạch bờ ngoài trên chân phải của bệnh nhân. Tĩnh mạch này phát triển từ cẳng chân và chạy dọc theo phía trước ngoài cẳng chân để lên mặt ngoài đùi, sau đó đổ về các tĩnh mạch mông qua nhiều nhánh xuyên. Ở bệnh nhân này, tĩnh mạch bờ ngoài suy rất nặng với dòng trào ngược rất dài trên siêu âm Doppler, đường đi của tĩnh mạch khá “rắc rối” với nhiều đoạn uốn khúc, các nhánh bên tách ra dọc đường đi và nhiều nhánh xuyên vào trong cơ. Ngoài ra, một số búi tĩnh mạch dị dạng ở quanh khớp gối và cổ chân cũng được ghi nhận.
Chúng tôi nhận định mặc dù đường đi của tĩnh mạch phức tạp, nhưng ở đùi, tĩnh mạch uốn khúc “mềm mại”, với đường kính khá lớn (6-10mm), phù hợp để thực hiện can thiệp nội mạch. Phác đồ điều trị được xây dựng bao gồm can thiệp thân tĩnh mạch chính đoạn đùi và nhiều buổi tiêm xơ xử lý phức hợp tĩnh mạch bờ ngoài và các búi dị dạng vùng khớp gối – cẳng chân.
Quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi. Lộ trình tiêm xơ được thực hiện với tần suất khoảng 2-4 tuần/lần. Thuốc tiêm xơ Polidocanol được dùng với nồng độ từ 1-2% tùy vào từng nhánh tĩnh mạch.
Kết quả ghi nhận sau 6 tháng với 10 buổi điều trị, thân chính của tĩnh mạch bờ ngoài cùng các nhánh lớn đã đóng hoàn toàn, các búi dị dạng tĩnh mạch giảm kích thước đáng kể. Về lâm sàng, bệnh nhân ghi nhận các triệu chứng khó chịu ở chân đã giảm tới 90%, đặc biệt là tình trạng mỏi và tê chân.
Do bệnh nhân có kế hoạch sinh con trong năm kế tiếp, chúng tôi quyết định dừng liệu trình điều trị và hẹn bệnh nhân tái khám định kì trong thời gian mang thai và sau khi sinh con để theo dõi.
Bàn luận
Tĩnh mạch bờ ngoài (Lateral marginal vein – LMV) là một tĩnh mạch tồn tại ở thời kì phôi thai. Thông thường chúng sẽ biến mất khi trẻ sinh ra, nhưng trong một số trường hợp “không may”, tĩnh mạch này vẫn tồn tại đến khi trưởng thành. Do không có van trong lòng mạch, cùng với lớp cơ trơn mỏng và yếu, tĩnh mạch bờ ngoài rất dễ tiến triển thành chứng suy giãn tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch bờ ngoài thường xuyên gặp trong hội chứng Kippel – Trenaunay và các hội chứng phát triển quá mức liên quan đến gen PIK3CA.
Đọc thêm: Tĩnh mạch bờ ngoài là gì?
Ở bệnh nhân nêu trên, việc xử lý tĩnh mạch bờ ngoài, ngoài muc đích cải thiện triệu chứng khó chịu ở chân còn có ý nghĩa rất lớn về thẩm mỹ do bệnh nhân còn trẻ. Trong quá trình điều trị, chúng tôi phải hết sức cân nhắc nhằm không để lại các vùng tăng sắc tố da dọc theo đường đi của các tĩnh mạch giãn, vốn là hậu quả rất thường gặp sau khi can thiệp và tiêm xơ, đặc biệt là những nhánh tĩnh mạch nằm rất nông. Quá trình tiêm xơ được thực hiện một cách từ từ, từ trên xuống dưới nhằm đảm bảo an toàn và sự thoải mái cho bệnh nhân sau mỗi lần điều trị. Tất áp lực cũng được khuyến cáo mang thường xuyên trong thời gian điều trị. Sự hợp tác của bệnh nhân đã mang lại kết quả rất khả quan sau 6 tháng kể từ khi can thiệp nội mạch.
Ca bệnh được điều trị tại Phòng khám tĩnh mạch An Viên TP. Hồ Chí Minh năm 2023.